Thủ tướng chỉ thị nhiệm vụ tài chính - ngân sách cuối năm 2012: Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu

Thứ hai, ngày 10/09/2012

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm 2012

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát tình hình thực tế, chủ động có giải pháp phù hợp trong chỉ đạo điều hành để phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2012 đã được phê duyệt. Trong đó, các đơn vị cần tập trung rà soát, nắm chắc các nguồn thu và đối tượng thu nộp ngân sách trên địa bàn, phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề có điều kiện để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế; đồng thời kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách Nhà nước. Tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các mặt hàng xăng, dầu, thuốc lá, khoáng sản. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng thực hiện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố tăng cường quản lý chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả; nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên; rà soát, sắp xếp lại, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, xăng dầu, hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước... Bên cạnh đó, phải rà soát, sắp xếp và phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên và thực hiện chi trong phạm vi nguồn thu được hưởng theo phân cấp và dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu đã quy định; hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, các bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố phải tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA...

(Theo chinhphu.vn)