Thủ tướng chỉ đạo cứu trợ khẩn cấp cho dân vùng lũ
Ngày 6-10, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký công điện khẩn điện Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế; Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương; Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.
Mưa lũ tại Quảng Bình.
>>> Xem clip mưa lũ hoành hành miền Trung
>>> Những nóc nhà giữa mênh mông nước lũ
>>> Gần 30 người chết và mất tích, hàng trăm tỷ đồng trôi theo lũ
Công điện nêu rõ mưa lớn đã gây lũ, ngập lụt trên diện rộng, chia cắt nhiều khu dân cư tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế. Để kịp thời cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng ngập lũ, xét đề nghị của Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế và Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh ứng ngân sách địa phương để huy động mỳ tôm, nước uống đóng chai trên địa bàn và trong khu vực để kịp thời cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng.
Số lượng cụ thể là tỉnh Hà Tĩnh 50 tấn mỳ tôm, 50.000 lít nước; tỉnh Quảng Bình 50 tấn mỳ tôm, 50.000 lít nước; tỉnh Thừa Thiên-Huế 10 tấn mỳ tôm.
Các tỉnh tổ chức cứu trợ kịp thời, đảm bảo không để người dân nào bị thiệt mạng do đói, khát.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương hoàn trả số kinh phí tạm ứng và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Cùng ngày, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tai nạn thương tích và tìm kiếm cứu nạn (Bộ Công an) đã gửi công điện khẩn tới các Tổng cục, Bộ tư lệnh, Vụ, Cục trực thuộc Bộ Công an; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố từ Thái Bình đến Bình Thuận tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, nhất là khu vực miền Trung hiện nay.
Công điện yêu cầu lực lượng chức năng của địa phương triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng có nguy cơ sạt lỡ, lũ quét để tổ chức sơ tán dân, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Lực lượng công an của địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.
Lực lượng công an phối hợp với các lực lượng tại địa phương tiếp tục tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người mất tích, bị nạn, nhà sập, hư hỏng; tăng cường lực lượng xuống cơ sở giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường nhằm sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Theo TTXVN