Thủ tướng Anh Liz Truss: Ghế ngồi chưa ấm đã lung lay

Thứ tư, ngày 19/10/2022

(BDO) Chiếc ghế Thủ tướng Anh của bà Liz Truss mới ngồi được hơn một tháng, nay bắt đầu lung lay mạnh sau những chệch choạc ban đầu khi xử lý các vấn đề kinh tế. Cũng may, bà đã tìm được “cứu tinh” giúp bà sửa sai kịp lúc...

Sai lầm trong chính sách kinh tế

Ngay khi bà Liz Truss bước chân vào làm chủ số 10 Phố Downing, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng bà phải đối mặt với 2 vấn đề lớn: Khó khăn kinh tế của nước Anh và sự mất đoàn kết trong nội bộ đảng Bảo thủ. Vấn đề thứ nhất đòi hỏi ở bà Truss một cái đầu tỉnh táo và tầm nhìn rộng hơn để đưa con thuyền kinh tế Anh vượt qua bão táp. Vấn đề thứ hai cần sự tinh tế trong xử thế và đòi hỏi bà trước hết phải thành công trong vấn đề thứ nhất.


Thủ tướng Liz Truss.

Đúng như phân tích của giới chuyên gia, các chính sách đầu tiên của bà Truss về vấn đề kinh tế đã bộc lộ sai lầm chết người. Gói chính sách ngân sách ngắn hạn (mini-budget) được Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng (đã bị sa thải) công bố đã gây nên cơn hoảng loạn “ngắn hạn” trên thị trường tài chính ở Anh, khiến cho đồng bảng Anh tụt giá mạnh và rước lấy “bão” chỉ trích từ nhiều phía. Mặc dù mục tiêu của chính sách tài chính này là nhằm đảo ngược đà suy thoái của nền kinh tế, nhưng trên thực tế giới chuyên gia cho rằng nó chỉ mang lại lợi ích cho giới nhà giàu, những người có thu nhập cao và về mặt nào đó còn làm hại nền kinh tế.

Mối quan tâm chính trong chính sách kinh tế “ngân sách ngắn hạn” là việc cắt giảm thuế trị giá 30 tỉ bảng Anh sẽ mang lại lợi ích không tương xứng cho những người giàu có, việc loại bỏ các khoản thuế xanh (thuế môi trường) được đặt ra để giúp đảng Bảo thủ kiểm soát vấn đề môi trường sinh thái và chấm dứt giới hạn tiền thưởng của các chủ ngân hàng.

Trong các nghị sĩ Bảo thủ, đã có ý kiến không tin rằng bà Truss sẽ thông qua một chương trình kinh tế mà họ tin rằng sẽ mở ra hội rõ ràng cho Công đảng tham gia - cho rằng đảng Bảo thủ không kiểm soát về mặt tài chính và dành ưu tiên cho các hộ gia đình giàu có nhất so với các hộ thu nhập trung bình. Việc loại bỏ giới hạn tiền thưởng của các chủ ngân hàng được công bố vào thời điểm hàng loạt công nhân đang bị cắt giảm lương theo điều kiện thực tế đã trở thành mục tiêu công kích của công đoàn và các đối thủ chính trị.

Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer đã chỉ trích “sự hỗn loạn kỳ cục” trong những tuần đầu nắm quyền của bà Truss và cho rằng chính phủ “không còn quyền hạn từ người dân Anh nữa”. Ông Starmer kêu gọi nước Anh nên có một cuộc bầu cử mới bất kể bà Truss còn tại vị hay buộc phải ra đi sau những biến động do sai lầm trong chính sách kinh tế của bà, bởi chính phủ hiện tại theo ông đã không còn đủ hiệu lực để điều hành đất nước và chính trị Anh cần có một sự “thay máu”, chuyển từ đảng Bảo thủ sang Công đảng lãnh đạo.

Vị “Cứu tinh” Jeremy Hunt

Nhận thấy sai lầm của chính sách và những phản ứng bất lợi của nhiều giới, từ phía đối lập và ngay trong nội bộ đảng, Thủ tướng Truss đã quyết định “thay tướng” - cho Bộ trưởng Kwarteng thôi chức vào hôm 14/10 và thay thế bằng một chính khách kỳ cựu - ông Jeremy Hunt, nhằm cứu vãn tình hình. Đồng thời, bà Truss tổ chức một cuộc họp báo trong đó bà thừa nhận các kế hoạch kinh tế của mình đã đi “xa hơn và nhanh hơn những gì thị trường mong đợi”.


Tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Hunt đã thực hiện ngay nhiệm vụ tối quan trọng để “cứu chúa”: đó là hủy bỏ kế hoạch tài chính “mini-budget” của ông Kwarteng, tuyên bố Chính phủ Anh sẽ xem xét tăng thuế thay vì giảm thuế như đã công bố vài tuần qua. Ông Hunt đã phá bỏ gần như tất cả nền tảng trong chính sách kinh tế đã mang về chiến thắng cho bà Truss, bao gồm phần lớn các khoản cắt giảm thuế của bà và gợi ý một mức thuế thu nhập mới đang nằm trong tầm ngắm của ông. Ngay sau động thái của ông Hunt, thị trường tài chính Anh đã có phản ứng tích cực, đồng bảng Anh ngay lập tức tăng 2%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.

Một số nghị sĩ của đảng Bảo thủ cho rằng việc bổ nhiệm ông Hunt, một trung tâm của đảng Bảo thủ, người đã 2 lần tranh cử chức lãnh đạo đảng, chỉ là giải pháp mang tính “chữa cháy” tạm thời, có thể giúp bà Truss kéo dài thời gian tại vị của mình thêm một thời gian, có khả năng đến sự kiện tài chính tiếp theo vào ngày 31/10. Thực tế quyền lực của bà Truss đã sứt mẻ rất nhiều sau hội nghị đảng Bảo thủ để thảo luận về chính sách kinh tế do ông Kwarteng đề xuất gây tranh cãi gay gắt trong nội bộ đảng và khiến cho nhiều thành viên của đảng bất mãn.

Trước những thay đổi liên tục và sự hỗn loạn thị trường, sự tụt giảm uy tín của chính phủ cũng như của đảng Bảo thủ sau khi bà Truss quyết định cho ông Kwarteng thôi chức, một nhóm nghị sĩ cao cấp của đảng Bảo thủ đã nhóm họp lại để bàn thảo về tương lai của Thủ tướng Truss. Một số người cho rằng bà Truss nên từ chức để cứu vãn uy tín của đảng. Người ta cho rằng bà Truss hiện đang nắm giữ chức vụ nhưng không còn kiểm soát được tình hình đất nước. Ở phía ngược lại, một nhóm đồng minh của nữ thủ tướng phản công lại các nghị sĩ rằng đảng Bảo thủ sẽ “kết thúc với tư cách là một đảng” nếu họ “lật đổ” nhà lãnh đạo thứ hai chỉ trong vài tháng.

Trong khi đó, giới phân tích chú ý đến những dấu hiệu cho thấy ông Hunt có thể sẽ trở thành là một nhân vật quyền lực trong đảng Bảo thủ trong khi bà Truss đang gặp khó khăn.

Theo CAND