Thủ tục phá sản và thẩm quyền của tòa án

Thứ ba, ngày 19/08/2014

(BDO)

Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã không còn khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu và họ muốn làm thủ tục phá sản thì cần những gì? Thẩm quyền của tòa án trong tiến hành thủ tục phá sản?

TRẦN VĂN DŨNG (Thuận Giao, TX.Thuận An)

- Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là TAND cấp huyện) có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đó.

- TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là TAND cấp tỉnh) có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.

Trong trường hợp cần thiết, TAND cấp tỉnh lấy lên để tiến hành thủ tục phá sản đối với hợp tác xã thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện.

- TAND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiêp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó.

- Thủ tục phá sản được áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản bao gồm: Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản; phục hồi hoạt động kinh doanh; thanh lý tài sản, các khoản nợ; tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.

Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, căn cứ vào quy định cụ thể của Luật Phá sản, Thẩm phán quyết định áp dụng một trong hai thủ tục là phục hồi hoạt động kinh doanh và thanh lý tài sản, các khoản nợ hoặc quyết định chuyển từ áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh sang áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ hoặc tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.

Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi

Vợ chồng tôi không có con và muốn xin một cháu bé để nuôi. Xin cho biết, đăng ký ở đâu và cách giải quyết nuôi con nuôi dựa trên nguyên tắc gì?

LÊ BẠCH MAI (An Bình, TX.Dĩ An)

Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc. Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Chỉ cho con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.

Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi được quy định như sau:

- UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.

- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

- Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đăng ký việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.

Luật gia XUÂN LẠC