Thứ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam chưa coi COVID-19 là bệnh lưu hành

Thứ bảy, ngày 30/04/2022

(BDO)

Công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em tại tỉnh Bạc Liêu.

Dù dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát tốt song Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành.”

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 29/4.

Theo Thứ trưởng Tuyên, trên thế giới chưa có quốc gia nào chính thức coi COVID-19 là bệnh lưu hành mà chỉ đang dần dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, chẳng hạn như Anh, Thụy Điển, Đan Mạch không bắt buộc cách ly với người tiếp xúc gần (F1), không bắt buộc đeo khẩu trang…

Trước đó, Bộ Y tế đã đưa ra khái niệm về bệnh lưu hành: Là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định. Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh vẫn đang diễn ra và vẫn có thể xuất hiện biến chủng mới. Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác theo dõi tình hình dịch cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp.

Tại cuộc họp báo, ông Tuyên cũng cho biết Việt Nam đang tăng độ phủ vaccine và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Tính đến ngày 28/4, số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi trong cả nước là gần 1,2 triệu liều (mũi 1).

“Hiện nay chúng ta đã mở cửa hoàn toàn, công nhân trở lại sản xuất, trẻ em đã được đến trường, các chuyến bay thương mại quốc tế và hoạt động du lịch đều đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan lơ là, cần thường xuyên đeo khẩu trang và sát khuẩn tay,” ông Tuyên cho biết.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền để người dân hưởng ứng chủ trương tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Có như vậy thì ngành y tế mới có thể đẩy nhanh tiến độ tiêm và độ phủ vaccine để công tác chống dịch đạt hiệu quả cao nhất./.

Theo TTXVN

Từ khóa: