Thứ trưởng Bộ y tế Trần Văn Thuấn: Số ca F0 đang tăng chứng tỏ Bình Dương đánh giá đúng nguy cơ, rà soát đúng đối tượng…
(BDO) - Là người theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại Bình Dương, Thứ trưởng có thể cho biết rõ hơn nguyên nhân vì sao những ngày qua số ca mắc của tỉnh liên tục tăng?
- Tính đến sáng 14-8, Bình Dương ghi nhận hơn 41.000 ca mắc trong đợt dịch bệnh thứ 4. Với số lượng ca mắc này thì Bình Dương là tỉnh có số ca mắc cao, chỉ đứng sau TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, những ngày gần đây số lượng ca bệnh liên tục tăng lên, cụ thể trong ngày 12-8 con số này lên tới 3.028 ca, ngày 13 là 2.816 ca và ngày 14-8 là 2.029 ca. Số ca bệnh trong ngày tăng nhưng hầu hết được phát hiện trong các khu phong tỏa, khu cách ly dành cho các trường hợp test nhanh dương tính nên an toàn cho cộng đồng. Điển hình trong ngày 14-8, tỉnh ghi nhận 2.029 ca nhưng số ca mắc trong ngày tập trung nhiều nhất ở khu phong tỏa (53,1%) và sàng lọc cộng đồng (30,2%). Tỷ lệ phát hiện trong cộng đồng là rất thấp. Số lượng ca mắc được phát hiện tại khu cách ly tập trung đều được tỉnh quản lý chặt chẽ nên không có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thăm cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Cơ sở điều trị Nhà ở xã hội Becamex, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát
Cùng với nguyên nhân trên thì một nguyên khác khá quan trọng trong chiến lược dập dịch của tỉnh là chiến lược xét nghiệm diện rộng “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng. Thời điểm trước ngày 29-7, kết quả xét nghiệm đợt 1 chưa được tỉnh công bố nhưng từ ngày 29-7 đến ngày 4-8, tỉnh công bố thì số ca tăng mạnh. Chỉ trong 7 ngày, tỉnh ghi nhận hơn 12.000 ca mắc. Từ ngày 5 đến 8-8 số ca giảm dần. Những ngày gần đây số ca mắc có dấu hiệu tăng trở lại khi các địa phương triển khai xét nghiệm diện rộng đợt 2 và công bố kết quả. Số ca mắc của tỉnh đang tăng chứng tỏ tỉnh đã đánh giá được đúng nguy cơ, rà soát đúng các đối tượng, không để sót, lọt F0 trong cộng đồng. Theo đó, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã được tỉnh tăng cường, quyết liệt, hiệu quả hơn. Nếu tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mà không rà soát được ca bệnh như đã thực hiện thì coi như thất bại.
- Trong đợt 2 xét nghiệm diện rộng cộng đồng, vì sao tỉnh lại sử dụng PCR thay cho test nhanh kháng nguyên, thưa Thứ trưởng?
- Hiện tại, biến thể Delta của SARS-CoV-2 tại Bình Dương có khả năng lây nhanh, những người nhiễm biến thể này có nồng độ vi rút cao ở ngày nhiễm bệnh thứ 2 đến ngày thứ 7. Thời gian này nếu dùng test nhanh kháng nguyên có khả năng phát hiện chính xác người bệnh nhưng từ ngày thứ 7 đến ngày nhiễm thứ 14 hoặc sau đó nữa, nồng độ vi rút giảm khiến cho độ chính xác của xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cũng giảm, thậm chí là không phát hiện được người nhiễm bệnh tại cộng đồng. Do đó, để tránh bỏ sót F0 trong cộng đồng thì phương pháp xét nghiệm PCR là giải pháp tốt nhất. Trong đợt 2 xét nghiệm diện rộng cộng đồng, tỉnh chủ trương thực hiện xét nghiệm PCR, làm đến đâu sạch đến đó. Theo tôi, đây cũng là lý do mà số ca mắc được công bố trong những ngày qua tăng vọt.
- Theo Thứ trưởng, số lượng ca mắc tăng vọt như vậy còn do tác động nào khác nữa hay không?
- Điểm nhấn của xét nghiệm PCR là độ chính xác cao nên rất phù hợp với chủ trương của tỉnh là tập trung quét nhiều lần “vùng đỏ”, “vùng vàng”. Việc quét F0 này đặc biệt hiệu quả ở các khu phong tỏa, khu cách ly, các công ty thực hiện “3 tại chỗ”. Theo đó, ở khu vực có nguy cơ rất cao, toàn bộ người dân được lấy mẫu xét nghiệm 3 - 5 ngày/lần bằng mẫu gộp PCR cho hộ gia đình. Tần suất này là 7 ngày/lần đối với khu vực nguy cơ cao và 3 ngày/lần với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu, cụm công nghiệp, người trực tiếp cung cấp các dịch vụ thiết yếu, cơ sở khám, chữa bệnh. Ngoài ra, 600 đội lấy mẫu đã đối ứng rất tốt với 12 máy xét nghiệm PCR cùng với công tác điều phối, lấy mẫu, trả kết quả kịp thời trong 12 giờ. Các đơn vị như Công ty Việt Á, Trung tâm xét nghiệm của Tổng hội Y học Việt Nam cũng đã tham gia giúp Bình Dương nâng năng lực lấy mẫu lên 176.000 mẫu/ngày.
Theo tôi, đây là những tác động khiến ca mắc của tỉnh tăng vọt trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong đánh giá dịch tễ không thể chỉ dựa vào những con số mà phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố, như: Chiến lược phòng, chống dịch bệnh, mối nguy hiểm F0 với cộng đồng, mức độ kiểm soát, ý thức người dân thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế, năng lực y tế… Kiên trì thực hiện chiến lược xét nghiệm sẽ giúp tỉnh “vét” sạch F0 ra khỏi cộng đồng, tiến tới thu hẹp “vùng đỏ”, xanh hóa “vùng vàng” và tiếp tục mở rộng, bảo vệ “vùng xanh” an toàn. Hiện nay, bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm Covid-19 nên ý thức người dân trong thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh là đặc biệt quan trọng. Khi người dân có các biểu hiện như sốt, ho, khó thở… cần phải khai báo ngay cho cán bộ y tế.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
KIM HÀ (thực hiện)