Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú: “Tôi tin mình đúng”
Sau cuộc hội thảo “nảy lửa” về điều hành giá xăng dầu hôm 20-9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết ông vẫn “vui vẻ, tự tin” dù đang chịu không ít sức ép.
>>Lỗ do quản trị, doanh nghiệp xăng dầu phải chịu!
Cuộc tranh luận về giá xăng dầu chưa có hồi kết, để rộng đường dư luận, trong khuôn khổ bài viết này, báo xin nêu quan điểm của ông Nguyễn Cẩm Tú, đồng thời sẽ tiếp tục thông tin ý kiến của các bên liên quan.
Ông Nguyễn Cẩm Tú
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói:
- Tôi vẫn sống vui vẻ, tự tin. Tự tin vì lẽ phải, tự tin vì mình đã làm đúng, tự tin vì mọi người sẽ hiểu mình. Trong cuộc sống, việc có quan điểm khác nhau, tranh luận với nhau, đánh giá khác nhau, thậm chí bị hiểu lầm, bị đánh giá sai... là rất bình thường. Nhưng cái đúng, cái sai khi có thời gian sẽ được làm rõ. Tôi tự tin mình làm hết trách nhiệm, làm đúng.
- Điều gì làm ông băn khoăn nhất sau hội thảo xăng dầu?
- Thời gian hội thảo có hạn nên khi tôi đề nghị được phát biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ không đồng ý và tôi không có điều kiện phát biểu được hết ý kiến của mình. Nếu được phát biểu, tôi sẽ có nhiều ý kiến để tranh luận. Giờ đây tôi không tranh luận về những điều nêu ra tại hội thảo. Tôi nghĩ một cuộc tranh luận, thảo luận cần có ít nhất từ hai người trở lên và công khai quan điểm. Chỉ có một mình tôi, tôi không muốn nói quan điểm của mình.
- Các thông tin về lãi lỗ, cơ chế điều hành đang gây bức xúc trong dư luận. Ông có bình luận gì về phát biểu của Bộ trưởng Vương Đình Huệ?
- Về các phát biểu của Bộ trưởng Huệ, tôi vừa đánh giá cao, vừa không tán thành, vừa thông cảm. Tôi đánh giá cao tinh thần thẳng thắn và dũng cảm của bộ trưởng, nhất là việc công bố các gian lận nếu có và sự minh bạch lỗ lãi thật sự của doanh nghiệp. Đó là những đức tính cần thiết của một người cầm cân nảy mực trong một ngành phức tạp như ngành tài chính. Nhưng tôi không tán thành hầu hết các đánh giá về lĩnh vực xăng dầu và quan điểm điều hành ngành xăng dầu của tân bộ trưởng.
Đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề liên quan đến tài chính như: giá, tài chính doanh nghiệp nhà nước. Còn Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về đảm bảo nguồn (nhập khẩu, sản xuất...), đảm bảo hệ thống phân phối và đảm bảo dự trữ.
Tôi cũng phải nói thêm, từ trước đến nay hai bộ vẫn phối hợp chặt chẽ trong vấn đề điều hành xăng dầu. Giá cả hay lỗ lãi của doanh nghiệp sẽ tác động đến đảm bảo nguồn cung, đảm bảo hệ thống phân phối, đảm bảo dự trữ.
Tôi tin rằng với thời gian tới, sau khi tìm hiểu nghiên cứu kỹ lĩnh vực xăng dầu, các đánh giá của tân bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ phù hợp hơn, xử lý cũng sẽ hợp lý hơn.
- Có không chuyện doanh nghiệp xăng dầu lãi 780 đồng/lít như công bố của Bộ Tài chính?
- Tôi khẳng định không có chuyện này. Tính theo công thức giá cơ sở do Bộ Tài chính xây dựng trong nghị định 84 ban hành vào ngày 26-8-2011, hoàn toàn không có con số như vậy. Chúng ta có thể tham khảo nghị định 84 và dễ hơn nữa là mở bản tin thị trường hằng ngày của Bộ Công thương để xem, từ khi có nghị định 84 ngày nào trong đó cũng có thông tin đầy đủ, chính xác.
- Đại diện Bộ Tài chính khẳng định có dấu hiệu gian lận trong quản trị doanh nghiệp xăng dầu...
- Về chuyện lỗ lãi, Bộ Công Thương theo dõi chủ yếu thông qua báo cáo của các doanh nghiệp và công tác quản lý tài chính doanh nghiệp của Bộ Tài chính. Tôi xin nhấn mạnh, theo thông tin từ doanh nghiệp cũng như Bộ Tài chính từ trước đến nay (trong các báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ), việc lỗ của các doanh nghiệp xăng dầu được tích lũy lại sau các đợt điều chỉnh của liên bộ và điều này là có thật.
Tôi tin rằng sau đợt kiểm tra của ba đoàn công tác do Bộ Tài chính thành lập thì lỗ hay lãi của các doanh nghiệp sẽ được làm rõ.
- Bộ Tài chính nói quyết định giảm giá xăng dầu vừa qua là đúng, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm cá nhân về việc đó. Ông vẫn cho rằng đợt giảm giá như vậy là chưa chuẩn, tại sao?
- Với tình trạng giá như hiện nay, khi các doanh nghiệp đã lỗ tích lũy rất lớn (điều này sẽ được chính việc kiểm tra của Bộ Tài chính chứng minh), nếu giảm giá doanh nghiệp đầu mối sẽ tiếp tục lỗ, không đủ khả năng cung ứng nguồn.
Các tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ cũng sẽ lỗ, không đủ khả năng tiếp tục bán hàng như từng xảy ra trong thời gian vừa qua. Như vậy, tưởng như được lợi trong ngắn hạn vì giá rẻ nhưng không có xăng dầu cũng như không có cây xăng nào bán thì suy cho cùng giá rẻ mà có hại cho người tiêu dùng.
Muốn hệ thống xăng dầu cung cấp đủ hàng và hoạt động trơn tru, tối thiểu các doanh nghiệp phải hòa vốn. Vấn đề phải giải quyết như thế nào cho hợp lý, xin để công chúng, người dân đánh giá.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính nói Petrolimex, Saigon Petro và PV Oil đã chiếm 90% thị phần nên chưa thể áp dụng cơ chế thị trường. Từ nay đến cuối năm không nên tăng giá, Bộ Tài chính sẽ áp dụng các biện pháp công cụ khác, kể cả bù cho doanh nghiệp. Ông có ý kiến thế nào?
- Về vấn đề độc quyền của doanh nghiệp trên thị trường, tỉ lệ thị phần chỉ là một yếu tố đánh giá, còn có nhiều yếu tố khác cần tính đến. Ví dụ: các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiện nay đều là doanh nghiệp nhà nước nên chịu sự quản lý gắt gao của Nhà nước thông qua quản lý tài chính doanh nghiệp của Bộ Tài chính.
Bên cạnh các nhiệm vụ kinh tế (lợi nhuận, lỗ lãi), các doanh nghiệp này thường xuyên phải đảm nhiệm nhiệm vụ chính trị. Thực tế cho đến hôm nay, việc quyết định giá dù giảm hay tăng đều do Nhà nước quyết định. Trong bối cảnh như vậy, cũng dễ hiểu doanh nghiệp có thể độc quyền được hay không.
Trước đây Nhà nước bù lỗ cho doanh nghiệp, nhưng khi nghị định 84 có hiệu lực, cơ chế bù lỗ này đã không còn. Tôi xin nhấn mạnh nếu bù lỗ ở thời điểm hiện nay cho doanh nghiệp, kể cả lỗ do thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá của Nhà nước thì cũng không dễ dàng.
Căn cứ số liệu hải quan để có cái nhìn toàn cảnh
Theo một quan chức Bộ Tài chính, việc cần nhấn mạnh lại là ngoài khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, số liệu hải quan thời điểm 26-8 cho thấy Petrolimex có thêm khoản 780 đồng/lít nữa là cách tính hợp lý dù không phải theo đúng cách tính giá cơ sở.
Lý do, ngoài cách tính giá cơ sở đã được quy định, để phục vụ điều hành trong tình huống đặc biệt khi giảm lạm phát đang là mục tiêu cấp bách, cần cách tính khác để có cái nhìn tổng thể, nhiều chiều về khả năng chịu đựng của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Số liệu hải quan tính toán trên những chi phí hợp lý theo đúng quy định của pháp luật chứ không phải theo thực tế doanh nghiệp “linh động” chi, đây cũng chỉ là một trong những căn cứ để đi đến quyết định giảm giá xăng ngày 26-8. Đến nay, kết quả qua các con số doanh nghiệp vừa công bố đã cho thấy cách nhìn đa chiều của Bộ Tài chính là hoàn toàn hợp lý, tránh được tình trạng chỉ dựa vào thông số của doanh nghiệp.
Về việc giảm giá có thể khiến vỡ hệ thống phân phối, quan chức Bộ Tài chính cho biết trong bối cảnh lạm phát, doanh nghiệp cần chia sẻ với Nhà nước những khó khăn và thực tế cho thấy các doanh nghiệp chưa ai kêu không thể tiếp tục, sẽ rút khỏi thị trường.
Với việc giảm giá ngày 26-8, ngoài 300 đồng trong lợi nhuận định mức tạm thời không còn, đúng là doanh nghiệp chia sẻ khoảng 100 đồng/lít nữa, nhưng cùng lúc Nhà nước cũng chia sẻ 100 đồng/lít qua giảm trích quỹ bình ổn.
Và điều cần nhắc đến là Nhà nước đã chia sẻ rất lớn khi đưa thuế cơ bản về 0% trong thời gian rất dài. Xăng dầu sẽ dần được vận hành theo cơ chế thị trường nhưng trong những thời điểm cấp bách, doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ với Nhà nước và người tiêu dùng.
Theo Tuổi Trẻ