Thu tiền điện bằng hóa đơn điện tử: Giải pháp mới cho người dân, doanh nghiệp
Đầu tháng 10 tới đây, người dân và doanh nghiệp (DN) ở khu vực Thành phố mới Bình Dương sẽ làm quen với việc dùng hóa đơn điện tử (HĐĐT) thay cho hóa đơn tiền điện dạng giấy truyền thống như trước.
(BDO)
HĐĐT thuận tiện trong lưu trữ thông tin cho DN và ngành quản lý. Trong ảnh: Sản xuất xuất khẩu nhân hạt điều tại Công ty VietCaschew (phường An Phú, TX.Thuận An) Ảnh: T.HUỲNH
Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo ngành thuế các tỉnh, thành quyết liệt vào cuộc, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Trong đó, việc triển khai áp dụng hình thức thu, nộp thuế bằng HĐĐT là cơ sở quan trọng để các cơ quan hành chính nhà nước chấn chỉnh những hạn chế, cải thiện chất lượng phục vụ ngày một tốt hơn.
Tại Bình Dương, mới đây, theo quy chế phối hợp triển khai HĐĐT giữa Cục Thuế và Điện lực Bình Dương, từ ngày 1-10 tới đây, việc chuyển đổi hình thức từ hóa đơn tiền điện dạng giấy trước đây sang hình thức HĐĐT. Việc chuyển đổi này được DN, người dân đón nhận khá nồng nhiệt.
Bà Lê Thị Kim Châu, đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ truyền thông Việt Nam (VNTT), cho biết cũng như các hình thức thanh toán điện tử qua ngân hàng (Internet Banking, Mobile Banking, ATM), việc thực hiện HĐĐT trong thanh toán tiền điện mang lại nhiều thuận lợi cho DN. DN sử dụng HĐĐT sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí in ấn, vận chuyển, bảo quản, lưu kho, giảm thiểu rủi ro thất lạc hóa đơn trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa. “Tôi thấy rất thuận tiện vì thông tin trên HĐĐT được lưu trữ trên trang web của ngành điện là 10 năm. Vì vậy, tôi mong muốn ngành điện lực đưa ra phương án quản lý thông tin, dữ liệu của DN thật tốt và ngày càng phát triển hình thức thu tiền bằng HĐĐT đến cho mọi người dân trong tỉnh”, bà Châu chia sẻ.
Ông Võ Long Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền & Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế, cho biết HĐĐT có giá trị về mặt pháp lý như hóa đơn giấy, đã được Bộ Tài chính chấp nhận và được quy định tại Thông tư 32/2011/TT-BTC về việc hướng dẫn khởi tạo, phát hành và sử dụng HĐĐT bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; bên cạnh đó là Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31-3-2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐCP ngày 14- 5-2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ. Như vậy, sau khi khách hàng thỏa các điều kiện về việc áp dụng HĐĐT theo hình thức điện tử, tất cả thông tin trên HĐĐT sẽ được tự động cập nhật vào hệ thống quản lý mà không cần thêm khâu nhập dữ liệu, do đó giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu sai sót trong kê khai thuế và tiết kiệm thời gian.
Cũng theo ông Hải, việc triển khai HĐĐT sẽ giúp ngành thuế kiểm soát chặt chẽ quá trình tạo, lập và phát hành hóa đơn của người nộp thuế, hỗ trợ hiệu quả cho công tác đối chiếu, xác minh hóa đơn để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Có thể nói, khi HĐĐT được sử dụng rộng rãi, vấn đề an ninh mạng tốt thì nguy cơ làm giả hóa đơn sẽ được giảm thiểu vì mọi thông tin về hóa đơn đã phát hành, loại hóa đơn sử dụng có thể tra cứu được thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn tập trung của cơ quan thuế.
Tạm ngừng dịch vụ nộp thuế điện tử Tổng cục Thuế vừa có thông báo từ 17 giờ ngày 27-9-2014 đến 23 giờ 00 ngày 28-9-2014 sẽ tạm dừng dịch vụ nộp thuế điện tử để nâng cấp hệ thống. Trong thời gian nâng cấp dịch vụ nộp thuế điện tử, người nộp thuế vẫn sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử để nộp hồ sơ khai thuế bình thường. |
Tìm hiểu thông tin chúng tôi được biết trên phương diện kỹ thuật, HĐĐT có đầy đủ thông tin, ngày giờ xuất hóa đơn, có chữ ký số của DN và mã vạch, mã code của cơ quan thuế để xác thực và bảo mật. Thêm vào đó, ứng dụng của HĐĐT cho phép DN in HĐĐT và lấy chữ ký của khách hàng như hóa đơn thông thường. Chính vì vậy, đây là thuận tiện lớn cho người dân khi các cơ quan hành chính, dịch vụ thực hiện hình thức HĐĐT.
Về phía khách hàng cá nhân, đã có những băn khoăn như chưa có thiết bị kết nối internet; tính xác thực thông tin thanh toán phí tiền điện hoặc tính bảo mật thông tin khách hàng; phân biệt hóa đơn thật, hóa đơn giả… Về vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Sơn, Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Bình Dương, cho biết khách hàng có thể yên tâm vì khi thanh toán bằng hóa đơn giấy hay HĐĐT, ngành điện, ngành thuế địa phương đều có một tài khoản để xem thông tin hóa đơn của khách hàng. “Hiện phần mềm HĐĐT hay hóa đơn giấy đang dùng đều được tính toán, xử lý trên cùng một hệ thống quản lý thông tin khách hàng và chúng tôi chỉ thay đổi hình thức của hóa đơn nên khách hàng có thể yên tâm với các số liệu trên HĐĐT. Còn trường hợp chưa có thiết bị kết nối internet, khách hàng sẽ nhận được biên nhận thanh toán tiền điện. Đó là chứng từ xác thực khách hàng đã thanh toán tiền điện và biên nhận này có đầy đủ thông tin giống như trên hóa đơn tiền điện nên khách hàng chỉ nhận biên nhận thanh toán tiền điện là đủ”, ông Sơn giải thích.
TRÚC HUỲNH