Thử thách tiên phong...

Thứ hai, ngày 20/01/2020

(BDO) Nhìn từ trên cao, dải đất Bình Dương tương đối bằng phẳng, được bao bọc bởi những dòng sông nước xanh thẳm. Phù sa sông nước đã vun bồi nên những cánh đồng bát ngát, trù phú miệt vườn cây trái thơm chín đỏ. Trong sách Địa chí tỉnh Sông Bé ghi rằng: “Đất này là một trong mấy tỉnh tốt đẹp và trong lành nhất Nam Kỳ”. Đất lành chim đậu! Hơn 300 năm về trước, quê hương rừng thẳm sông dài này đã đón nhận lớp lớp cư dân xứ Đàng Ngoài, vùng Ngũ Quảng đến khai hoang lập nghiệp, cùng hòa nhịp bài ca vỡ đất mang theo cả khát vọng cuộc đời ấm no, tự do.

Ảnh: MINH DUY

 Trải qua bể dâu lịch sử, Bình Dương hôm nay không những là tỉnh năng động phát triển, mà theo cách nói của PGS - TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Bình Dương đang làm thay đổi dòng chảy thương mại ở châu Á và thế giới... Người đất Thủ hôm nay lại dang rộng vòng tay đón chào tất cả...

Lịch sử chưa bao giờ là dòng chảy yên bình, trớ trêu thay, điều đó đã đúng với dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Việt Nam là dân tộc trận mạc, dù chiến tranh luôn là lựa chọn sau cùng và dân tộc Việt Nam anh hùng thì cả thế gới đều biết. Trong lịch sử hàng ngàn năm, Việt Nam đã chứng kiến biết bao cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù và lịch sử đã chứng minh, khi đất nước lâm nguy, từ thế hệ này đến thế hệ khác đều nhất tề đứng lên bảo vệ non sông. Từ hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo đến Ngọc Hồi Đống Đa... mà hào quang chiến thắng, tên người, tên đất mãi vọng về...

Trong tiến trình mở cõi về phương Nam của người Việt, nếu như tiền nhân có công khai hoang lập ấp, thì những thế hệ sau lại lên đường chinh chiến bảo vệ Tổ quốc. “Sứ mệnh” hay “thử thách tiên phong” - câu nói đó quả chính xác đối với đất Bình Dương! Ngay từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, đất này đã có các tổ chức Đảng ra đời, thắp lên ngọn đuốc soi đường cách mạng ở phía trời Nam. Mã Đà Sông Bé anh hùng tụ! Trong hai cuộc chiến vệ quốc, Sông Bé - Bình Dương là nơi hội ngộ của hàng triệu người ái quốc, góp công cùng cả nước viết lên bản hùng ca bất khuất, tạc vào sử xanh mà hậu thế mãi không bao giờ quên. Xuyên suốt chặng đường chống giặc ngoại xâm, Bình Dương được trao những sứ mệnh lịch sử đầy cam go, thử thách nhưng cũng rất đỗi vinh quang, đó là sự ra đời sớm của các phong trào cách mạng và chiến khu cách mạng. Đây cũng là vùng có nhiều chiến khu kháng chiến nhất.

 Quan tâm đến đầu tư, xã hội hóa giáo dục là chủ trương song hành góp phần tạo nên những đột phá của Bình Dương trong thời gian qua. Ảnh: XUÂN THI

Xin được kể câu chuyện khác cũng là dấu ấn và thử thách tiên phong của Bình Dương. Cố học giả Trần Bạch Đằng đã từng ví “Bản thân Bình Dương là Thủ Dầu Một. Xa xưa đã là thị tứ. Bình Dương vốn mang “gien” đô thị từ 300 năm”. Hay theo nhìn nhận của tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Thủy, trường Đại học Thủ Dầu Một, thì Bình Dương đã “mở cửa giao lưu từ thời tiền sơ sử”, chứ đâu phải đổi mới mấy mươi năm rồi. Này nhé, trong các cuộc khai quật khảo cổ ở cù lao Rùa, Phú Chánh... người ta đã thấy có các hiện vật trống đồng Bắc bộ, gốm Sa Huỳnh và gương Tứ Nhũ Tứ Ly thời Tây Hán bên Trung Quốc. Rồi những năm đầu thế kỷ XX đầy biến động, đất này đã tiên phong công nghiệp, mà Nhà máy Toa xe lửa Dĩ An là một ví dụ. Về văn hóa thì có truờng Mỹ thuật bên dòng Sài Gòn, đào tạo những nghệ nhân sơn mài nổi tiếng, sản phẩm đã vượt đại dương.

Suy cho cùng, chiến tranh giải phóng là để bảo vệ nền văn hóa và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng để làm được điều đó đâu phải dễ. “Mở cửa từ thời tiền sử”, “gien” đô thị có sẵn, thế mà nhiều năm sau giải phóng, Bình Dương vẫn là tỉnh nghèo. Tiềm năng không phát huy thì ngủ yên. Tư duy không theo kịp thời cuộc thì trì trệ. Đó là thực trạng của một thời kỳ chung cả nước. Thế rồi, như ngọn đuốc bùng sáng lên. Điều mà nhiều địa phương khác không làm được và không dám làm thì Bình Dương vào cuộc thành công.

 Lãnh đạo tỉnh trao đổi với các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài tại Horasis 2019. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Quốc lộ 13 - trong chiến tranh gọi là con đường của “máu và nước mắt”, đầu thập niên 90 gọi là con đường khát vọng đột phá và nay là biểu tượng của một Bình Dương thênh thang, sầm uất. Sự khởi đầu bao giờ cũng lắm chông gai. Ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kể rằng: Hồi ông Lý Quang Diệu, lúc bấy giờ là cố vấn Chính phủ Singapore qua thăm. Sau khi nghe ông nói về nền kinh tế tỉnh nhà “cơ bản không có gì” nhưng chuẩn bị động thổ đường 13. Nghe vậy, ông cố vấn tròn xoe mắt, rồi “thách thức - đố ông làm được, đường của cả nước sao chỉ một tỉnh làm, tiền đâu mà làm”. Rồi chuyện xây dựng các khu công nghiệp (KCN) cũng lắm nhiêu khê. Ông Hồ Minh Phương tâm sự: “Tôi ghét bao cấp dễ sợ. Đất đai thì mênh mông. Sản vật bao la, mà cứ cầm tem phiếu đi mua hàng. Nên từ Đại hội VI, Trung ương bật đèn xanh là làm liền. Không đổi mới là chết...”.

Nhưng làm theo lộ trình thì bao giờ có kết quả! Còn nhớ, cơ chế lúc đó chưa cho tư nhân làm KCN, nhưng Bình Dương thì kêu gọi tất cả các thành phần kinh tế cùng tham gia. Tư duy đột phá, dám nghĩ dám làm đã mang lại sự thành công của KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II, KCN Việt Hương... mà đến tận ngày nay nhiều tỉnh còn đến tìm hiểu. Lĩnh vực nông nghiệp Bình Dương cũng đi đầu. Thời đó mà đã mạnh dạn giao cả hàng trăm héc ta đất cho trang trại vì tin tưởng mình làm đúng.

Chuyện đã qua mấy mươi năm rồi, nhìn lại càng thấy tầm nhìn xa của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Nếu không có đường 13 thì làm sao lấp đầy các KCN như hôm nay, không có Sóng Thần I, Sóng Thần II... sao có bộ mặt công nghiệp hóa như hiện tại, không mạnh dạn giao đất cũng không có những trang trại quy mô bạt ngàn... Chuyện quá khứ mà cũng là bài học cho hiện tại. Tất cả đều khởi đầu, là thử thách tiên phong mà mang lại hoa thơm quả ngọt! Bên tách trà thơm, thoang thoảng gió xuân, tôi hỏi ông Hồ Minh Phương, hồi đó áp lực nhiều sao vượt qua được, ông nói :“Các cụ bảo, gặp sóng to gió cả mà lòng người hòa thuận thì mọi việc sẽ qua, gặp cái vảy trấu mà lòng người chia rẽ thì cũng thành hiểm họa, ngẫm ra thấy đúng, hè!”. Cá nhân ông cũng gặp giông bão? “Ở đời làm lợi cho mình mới nhục, chứ làm lợi cho mọi người, dù có chết cũng ráng cười mà chết…” - giọng ông Phương thoáng chút trầm ngâm mà kiêu hãnh.

Trong những ngày cuối năm, đất trời Bình Dương càng thêm rực rỡ sắc màu, đón chào các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham dự các sự kiện lớn mang tầm quốc tế. Nhân dân tỉnh nhà càng thêm phấn khởi, tự hào trước những kỳ tích Bình Dương đạt được, mà thêm yêu thêm quý mảnh đất thấm đượm nghĩa tình này. Sau hơn 30 năm hòa nhịp cùng công cuộc đổi mới đất nước, đất Thủ hôm nay không ngừng vươn lên.

Là địa phương đứng trong tốp đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Là nơi có hạ tầng giáo dục - đào tạo phát triển toàn diện, hạ tầng y tế hiện đại, thủ tục hành chính công khai minh bạch, trung tâm thương mại, thương mại điện tử đang mở rộng... Bình Dương hiện có 29 KCN và 12 cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hiện đại, thuận lợi cho thu hút đầu tư. Trong đó, có những KCN tiêu biểu trong cả nước về tốc độ thu hút đầu tư, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường. Bình Dương được Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) bình chọn là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, là địa phương đầu tiên của Việt Nam, thứ 2 Đông Nam Á (sau Singapore) chính thức trở thành thành viên của ICF. Bình Dương còn được công nhận là thành viên chính thức của Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA)… Một sự kiện mang dấu ấn tiên phong của Bình Dương nữa được chính thức khởi động hứa hẹn sẽ mang đến một sự phát triển vượt tầm được nhân dân nô nức đón chào. Đó là, Dự án Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương. Đây là địa phương đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên thứ 331 của Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA) và được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy cho các nhà đầu tư từng bước tiếp cận, chuẩn hóa quy trình hoạt động, tiến gần hơn với tiêu chuẩn thế giới, kết nối vào dòng chảy thương mại toàn cầu. Đến đây mới thấy sự nhận định của PGS.TS Trần Đình Thiên quả là tài tình!

Thạc sĩ Đỗ Bình, giảng viên Học viện Chính trị Hồ Chí Minh khu vực II, gặp gỡ ở Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Horasis 2019, anh tâm sự với tôi rằng: Cốt cách người Bình Dương quả đáng học hỏi. Thời chiến thì kiên cường, một tấc không đi, một ly không rời, căm thù giặc ghê gớm. Cha ông mình nói, “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Mấy hôm nay, thấy nhân dân Bình Dương hòa nhã với du khách nước ngoài, ngẫm thấy sâu sắc vô cùng. Mỗi cá nhân người Bình Dương đều mang trong mình sự nhân văn, khát vọng hội nhập và đổi mới tự bao giờ.

Binh lửa qua rồi. Ngày nay trở lại chiến khu Đ, nhắc tới Đại tá Đoàn Minh Chiến, nhiều người biết. Thời chiến ông là Đại đội trưởng C61 Bến Cát lừng danh. Đời trận mạc lăn lộn khắp chiến trường miền Nam, rồi tiến vào Campuchia giúp bạn, hết giặc trở lại chiến khu làm lão nông. Đánh giặc đã vang danh mà làm trang trại thì nức tiếng, cũng là nhân chứng điển hình trong sự nghiệp phát triển của Bình Dương.

Xin hỏi Đại tá Đoàn Minh Chiến, vì sao Bình Dương đổi mới đi đầu?

Ông trả lời: Muốn phát triển phải hợp tác, Bình Dương đi đầu về nhận thức, định hướng đúng!

Lại nghe trong kháng chiến nơi đây là túi lửa hoang tàn?

Ông trả lời: Con người làm nên lịch sử!

Lại hỏi, đất Bình Dương ra ngõ gặp anh hùng! Ai bám trụ dưới mưa bom bão đạn ở đất này là dũng sĩ, ai chiến đấu trong lòng địa đạo đều là anh hùng, đất lửa trở thành đô thị thông minh cũng là anh hùng... Ông Chiến nở nụ cười đầy tự hào. Phía ngoài kia, hoa bưởi nở trắng ngần đón chào mùa xuân mới đang về. 

Quốc lộ 13 - con đường khát vọng đột phá của Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Bút ký KIẾN GIANG