Thử thách bản thân từ việc khó

Thứ ba, ngày 23/03/2021

(BDO) Tìm một hướng đi khác, thử thách bản thân khi ra khỏi “vùng an toàn”, khởi nghiệp bằng cả đam mê và chấp nhận đánh đổi, làm việc mà người khác chưa làm… Đó là điều mà những chủ doanh nghiệp nói về quá trình từ khi họ bật ra ý tưởng đến “có khi tưởng như không vượt qua khó khăn” để đến thành công như hiện nay...


Ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (bìa trái) lắng nghe chủ doanh nghiệp nói về việc chăn nuôi vịt trên sàn trong môi trường lạnh

Không có việc dễ!

Mới đây, đoàn công tác Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương đã đến khảo sát một số mô hình khởi nghiệp của phụ nữ và nông dân. Các doanh nghiệp được chọn khảo sát trong đợt này là Hợp tác xã (HTX) Sen Đa Lộc, xã Phú An, TX.Bến Cát; mô hình nuôi vịt trên sàn trong môi trường lạnh tại xã Tân Hiệp, trại gà giống An Khương tại xã An Bình, huyện Phú Giáo và HTX Hùng Thuận (thu mua nông sản cho nông dân) tại xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên. Bước đầu, các mô hình HTX này đã thành công, tạo việc làm cho nhiều người.

Khi đến HTX nuôi vịt ở giữa lô cao su, ai nấy ngạc nhiên khi chứng kiến… vịt nghe nhạc, vịt ở phòng lạnh! Theo chị Lương Thị Nhị, xã viên của HTX, Tân Hiệp có 80% người dân sống dựa vào nông nghiệp. Mô hình chăn nuôi vịt trên sàn trong môi trường lạnh bước đầu giải quyết được công ăn việc làm cho người dân tại địa phương, tạo thu nhập ổn định để chăm lo cho cuộc sống.

Chị Nhị giải thích thêm: “Ban đầu chúng tôi nuôi vịt trên sàn trại hở, với số lượng 5.000 con. Sau 50 ngày vịt đủ 3,2 - 3,5kg/con xuất chuồng. Tuy nhiên, thời tiết Bình Dương nắng nóng, mưa gió thất thường, khó kiểm soát dịch bệnh nên sau một năm, chúng tôi nâng cấp lên sàn lạnh, có kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, có tải cám để giảm nhân công, hệ thống tủ điều khiển quạt, nước, nhiệt… Nhờ đưa lên trại lạnh, thời gian nuôi vịt rút ngắn được 5 ngày so với nuôi trại hở, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, bảo đảm số đầu con, hiệu quả kinh tế cao hơn ban đầu. Hiệu quả kinh tế cao hơn do giảm chi phí trong quá trình chăn nuôi”.

Một cách làm hay nữa của các HTX khác là giúp nông dân có thêm thu nhập từ những thứ trước đây phải bỏ đi. Nhân viên thu mua nông sản của HTX Hùng Thuận (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên) cho biết từ tháng 8-2020 đến nay, bà con nông dân không phải “ngậm ngùi tiếc rẻ” khi phải bỏ đi những trái cam, quýt, bưởi non bởi đã có người mua để chiết xuất tinh dầu. Để trái phát triển tốt và… dưỡng cây, trước đây nông dân phải bỏ bớt trái nhỏ khi một chùm ra quá nhiều trái. Nếu như trước đã bỏ trái non là… bỏ luôn thì nay bà con đã bán với giá dao động từ 3.000 - 9.000 đồng/kg trái non tùy loại. Nguồn thu này bù vào chi phí sản xuất, tạo thuận lợi cho người làm nông. Nhiều chủ trang trại hiện nay cho biết họ “rục rịch” chuẩn bị cho việc nấu tinh dầu tại chỗ. Như vậy, lượng tinh dầu nguyên chất được nhiều hơn do trái còn tươi, non và sẽ có thêm một sản phẩm nông nghiệp sạch ra đời phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng.

Nói về sáng tạo và cải tiến trong trồng trọt, chăn nuôi thì có rất nhiều cách! Ông Đinh Ngọc Khương, chủ trại gà giống An Khương (xã An Bình, huyện Phú Giáo), cho biết phải không ngừng tìm tòi, học hỏi chứ không là lạc hậu và thất bại ngay. “Ai cũng làm nên mình phải tìm cách làm mới, hiệu quả hơn, ứng dụng máy móc, kỹ thuật mới để giảm nhân công, giảm chi phí mới có thành quả như mong muốn”, ông Khương chia sẻ.

Cần lắm những điểm tựa để phát triển

Chị Phan Thị Mỹ Trang, tổ hợp tác chăn nuôi vịt trên sàn trong môi trường lạnh xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, chân tình chia sẻ: “Chúng tôi đã có sự hỗ trợ, đồng tâm hiệp lực rất lớn từ chồng mình, mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn rất cần những nguồn vốn ưu đãi để thuận lợi hơn trong quá trình phát triển doanh nghiệp, giúp xã viên nâng cao thu nhập. Trong đó, tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi là điều chúng tôi rất mong đợi”.

Theo chị Trang, chăn nuôi vịt trên sàn trong môi trường lạnh đầu tư ban đầu lớn, vốn gia đình không đủ, phải vay để làm trại. Khó khăn hiện tại là vốn đầu lứa để nhập vịt giống và cám vịt cũng như chi phí phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Khó khăn thứ hai là kỹ thuật chăn nuôi vịt để kiểm soát và hạn chế dịch bệnh, giảm rủi ro. Chị cũng như nhiều xã viên khác rất mong được nhận vốn từ đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (gọi tắt là Đề án 939).

“Sân chơi” dành cho người đam mê sáng tạo, kinh doanh, làm giàu trên chính quê hương của mình vẫn tiếp tục được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân phát huy hiệu quả. Nhiều đề án hay vẫn được các nông dân thứ thiệt lẫn những người “bắt đầu làm nông dân” miệt mài viết và đề xuất được hỗ trợ từ các nguồn vốn vay ưu đãi. Đây cũng là việc khuyến khích cán bộ, hội viên các cấp trong tỉnh tự tin khởi nghiệp. Qua việc triển khai ý tưởng, đề tài còn góp phần tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ, tháo gỡ khó khăn trong xúc tiến thương mại, phát triển kinh doanh và hội nhập, thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm.

 QUỲNH NHƯ