“Thủ phủ” lò gạch ngộp khói!

Thứ sáu, ngày 19/11/2010

Trong cái nắng rám những ngày tháng 11, chúng tôi đến huyện Tân Uyên, nơi được coi là “thủ phủ” các lò nung gạch của miền Đông Nam bộ. Tận mắt “mục sở thị” tại đây, chúng tôi khiếp vía khi các lò nung gạch đua nhau xả khói đen ngút một vùng trời.

 

Ngột ngạt!

 

Vào thời điểm chúng tôi ghé qua, con đường từ Tân Ba nối đến xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, bên mép sông Đồng Nai nổi lên hàng hàng lò gạch. Nắng càng lên, các lò nung bắt đầu nhả khói càng mạnh, khói đen phụt lên như cơn giông kéo đến.

 

 Công nhân làm việc trong điều kiện khói bụi mịt mù

Trưa 12 giờ, trong cái nắng và bụi, xe ben chạy vùn vụt trên đường xã Khánh Bình, cộng thêm mùi khói nung của hằng hà lò gạch tỏa ra khét lẹt khiến không khí trở nên ngột ngạt. Ông Sỹ Huynh, 79 tuổi ở ấp Bình Chánh Đông, xã Khánh Bình cho biết, hôm nay còn đỡ chứ vào những ngày cuối tuần, đồng loạt các lò gạch đốt lửa thì khói đen còn khủng khiếp hơn.

 

 Lạ! Các lò cứ đốt vào những lúc trời nắng to, lúc khí trời nóng nực thì họ bắt đầu đốt lò còn dữ dội hơn. Tại một cụm có 4 - 5 lò đang nhả khói, một thanh niên đốt lò tranh thủ gặm ổ bánh mì, ngồi nói: “Cứ vào những ngày nắng to, các lò gạch bắt đầu cho chạy máy đúc gạch phơi kịp nắng. Sau khi gạch khô thì đưa ngay vào lò nung, tránh mưa xuống gạch biến dạng thì toi. Gạch đang được nắng đưa vào lò “nấu” liền tay giảm bớt nguyên liệu đốt, nấu nó nhanh chín, ra mẻ nhanh hơn”. Khâu phơi, nung gạch dựa vào trời nắng, nên gần như các lò đồng loạt khi trời có nắng, theo đó khói đen càng nhiều vào buổi trưa như thường thấy, người thanh niên nói.

 

Hơn 2 giờ ở xã Khánh Bình, chúng tôi phát hiện khói tỏa ra tứ bề. Tò mò, chúng tôi xâm nhập vào một đồi đất phía nhà máy gạch MC. Một gò đất cao chừng 10m, đây là gò đất nguyên liệu của nhà máy gạch MC dùng để đúc gạch. Chúng tôi trèo lên ngọn đồi, nhìn xung quanh, cứ vài phút có một cột khói đen phụt lên không trung. Quay về hướng nào cũng thấy khói. Chụp vội mấy tấm hình, anh bạn kêu lên, ra mau hình như có tiếng xe cuốc vào moi đất làm gạch. Trưa hôm đó, ở Khánh Bình yên ắng tiếng người, nhưng tiếng máy ủi, máy xúc đất và máy chạy đúc gạch nổ rầm vang.

 

Chúng tôi xâm nhập vào một lò nung, ông chủ lò gạch Lê Thanh Tùng ngồi dựa trên ghế đá, mắt nhìn xa xăm về bãi gạch đang phơi rám nắng. Cơ sở nung gạch của gia đình ông Tùng tại xã Khánh Bình là chiếc lò nung củi (truyền thống) hoạt động hơn từ 10 năm nay đang còn đất sống. Vào kỳ đốt củi, mỗi mẻ gạch phải mất  40 - 50 tiếng đồng hồ. Cả đống củi, rác, mùn cưa... đun ngùn ngụt mẻ gạch 50.000 viên, không tạo khói đen mới lạ, một công nhân đốt lò cho hay.

 

Tiếp tục rẽ vào lò gạch Đức Phát nằm ngã ba sông Đồng Nai thuộc ấp Chánh Đông, xã Khánh Bình tìm hiểu. Chúng tôi gặp anh Nguyễn Thành Hải, chủ lò gạch Đức Phát cho biết, việc chuyển đổi sang công nghệ nung tuynel góp phần giảm thiểu được khói đen, bớt bụi bặm. Tuy nhiên, nung tuynel sử dụng nguyên liệu đốt than đá cũng chưa chắc giảm hẳn được ô nhiễm toàn diện. Trong khi, công nghệ nung tuynel có hai dạng là lò đứng hoặc lò ngang. Tỷ lệ hao hụt lò đứng tuynel chiếm đến 7%, trong khi đầu tư lò ngang  tốn kém gấp 10 - 20 lần đầu tư một cái lò nung củi, lò hopmen, do đó nhiều cơ sở còn “mặn mà” với  chiếc lò gạch cũ là lẽ vậy, anh Hải nói.

 

Nghe nói nhà máy gạch T.T chuyển đổi sang lò nung tuynel, chúng tôi tiếp tục tìm đến. Chưa kịp hỏi, ông chủ cơ sở này nằm trên võng nói to, Nhà nước cấm nung lò gạch đốt củi thì tôi đóng cửa. Câu nói chắc nịch tưởng như thật, chúng tôi vội bước ra bên hông nhà, một lò gạch đốt củi phụt khói đen nghi ngút như muốn ngợp thở. Xung quanh lò nung, gần 10 công nhân hối hả, oằn mình đẩy gạch bằng xe ba gác, trong đó có cả trẻ em đi theo mẹ giữa nắng trưa, thấy thảm. Nắng chang chang, mồ hôi nhiều công nhân rớt lả chả trên viên gạch, kéo áo lau vội đôi gò má, chị Vân nói: “Thu nhập nghề đúc gạch bấp bênh lắm, dựa vào thị trường, lúc nắng, lúc mưa. Hiện ở Bình Dương đang vào mùa gạch, thị trường đang có sức hút do nhu cầu xây dựng cuối năm tăng cao. Theo đó, các lò gạch mở hết “công lực”  đốt lò... nung gạch”.

 

Xã Khánh Bình thống kê có hơn 100 cơ sở nung gạch ngói, tính cả huyện Tân Uyên có đến 198 cơ sở. Tuy nhiên, hiện chỉ có 52 cơ sở ở “thủ phủ” này chuyển đổi lò nung tuynel, số còn lại vẫn giữ nguyên lò gạch cũ lạc hậu. Lò gạch cũ sắp hết thời, nhưng vì lợi ích kinh tế, nên các ông chủ lò gạch vẫn bám lấy, “phớt lờ” nạn ô nhiễm môi trường.

 

Cảnh báo

 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Tân Uyên cung cấp cho chúng tôi văn bản thông báo, chậm nhất 31-12-2010 các cơ sở gạch ngói phải di dời ra vùng ven hoặc chuyển đổi công nghệ nung tuynel. Ông Hùng chỉ cho chúng tôi thấy đã có 13 cơ sở đã đóng cửa do lò gạch quá lạc hậu, 132 cơ sở khác cũng đang trong tình cảnh lò cũ đốt củi. Mặc dù UBND tỉnh ra “chỉ thị” di dời lò gạch gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư chậm nhất trong năm 2010. Hiện, các lò gạch chuyển đổi công nghệ nung tuynel chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi lò đốt củi truyền thống vẫn tồn tại hàng trăm lò ngày ngày đốt lửa nung gạch, nhả khói đen ngút trời.

 

Trong khi chủ trương của Bình Dương chi hỗ trợ đến 90 tỷ đồng di dời các cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư ra khỏi đô thị, trong đó có các cơ sở gạch ngói gây ô nhiễm trầm trọng. Thế nhưng, việc di dời còn trở ngại vốn ưu đãi đầu tư, đất đai, nguồn nhân lực... nên các lò gạch cũ kỹ chây ỳ “ầm ừ” bám rễ.

Từ năm 2000, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD về Quy định đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung. Trong đó nêu rõ các tỉnh, thành phố rà soát quy hoạch đầu tư phát triển gạch ngói đất sét nung ở địa phương; hướng dẫn các chủ đầu tư lựa chọn giải pháp công nghệ, sấy nung sản phẩm bằng lò tuynel liên hoàn bằng thiết bị sản xuất trong nước. Phấn đấu đến năm 2005, loại ra khỏi các vùng ven đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn các lò thủ công hiện có và tới năm 2010 không còn lò thủ công sản xuất gạch ngói đất sét nung tại tất cả các địa phương. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 115/2001/QĐ-TTg về việc Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010, theo đó tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trước năm 2010.

 

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, gần đây có hiện tượng một số lò gạch chuyển công nghệ hopmen cho lò nung. Nung hopmen chỉ đơn thuần xây ống khói cho cao, trong khi chất đốt vẫn sử dụng bằng củi, rác... nên có khi còn gây ô nhiễm hơn cả lò gạch cũ, ông Hùng cảnh báo.

 

Khi chúng tôi chuẩn bị rời “thủ phủ” lò gạch, từ phía Tây Nam xã Khánh Bình, một ống khói cao phụt mạnh khói đen lên giữa trời xanh. Nhiều người đi đường chắc lưỡi, chúng tôi vội dừng xe dõi theo ống khói đen... khiếp vía.

Hỏi ra mới biết, ống khói đó là lò nung hopmen?!

Dương Chí Tưởng