Thủ phạm gây hại não
Để ngăn chặn sự thoái hóa thần kinh xảy ra với chính mình, ngay từ bây giờ hãy loại bỏ một số thói quen không tốt.
Uống đủ nước để góp phần cho một bộ não minh mẫn
Uống ít nước. Các tế bào não giống như các tế bào khác trong cơ thể, phụ thuộc rất nhiều vào nước. Nếu không có nước, tế bào não sẽ co lại, gây khó khăn cho não bộ trong việc thực hiện các chức năng riêng. Một nghiên cứu cho thấy 85% não là nước, nếu não thiếu nước thì con người rất dễ bị tử vong. Hơn nữa, khi cảm thấy thiếu nước, não thường “rút” nước từ các bộ phận khác trong cơ thể về để nuôi sống, điều này khiến các bộ phận khác rơi vào trục trặc.
Rượu. Các tế bào não co lại khi tiếp xúc với rượu. Phát hiện này được nêu ra sau khi các nhà khoa học tiến hành đo độ co giãn của não dưới tác động của rượu. Rượu gây ra sự thiếu hụt thiamine (còn gọi là vitamin B1, một thành phần dinh dưỡng chủ yếu của tất cả các mô, kể cả não), có thể dẫn đến một chứng rối loạn não bộ nghiêm trọng được gọi là bệnh não Wernicke. Các triệu chứng của bệnh này bao gồm: lú lẫn, liệt các dây thần kinh vận nhãn và khó khăn trong việc phối hợp cơ. Khoảng 80 - 90% người nghiện rượu mắc bệnh não Wernicke với đặc điểm rối loạn trí nhớ. Các nhà khoa học ước lượng khoảng 100.000 tế bào não bị giết chết khi uống một ly rượu. Trong một cơn say rượu, con số tế bào não chết đi có thể lên đến 10 triệu.
AGEs. Theo trang Health của Đại học Harvard (Mỹ), AGEs viết tắt từ các chữ Advanced; Glycation; End-products - là các hợp chất trong cơ thể đến từ thức ăn và các loại đồ uống chúng ta tiêu thụ mỗi ngày. AGEs hình thành khi một phân tử đường và một protein kết lại với nhau. Khi AGEs cao hơn so với mức bình thường dẫn đến sự tích tụ AGEs trong các mô, gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Thức ăn đóng hộp, pizza, xúc xích là những loại thực phẩm gây tích tụ AGEs nhiều nhất. Mỗi khi làm nóng thức ăn ở nhiệt độ cao, AGEs trong thức ăn theo cấp số nhân tăng lên, khi đi vào não gây rối loạn chức năng não bộ.
Thực phẩm glycemic cao. Ăn thực phẩm chế biến hoặc ăn thức ăn có chỉ số glycemic (chỉ số đường huyết) cao sẽ làm tăng đường huyết nhanh và hủy hoại trí nhớ cũng như khả năng tiếp thu. Ngoài tác hại gây ra cho não, nhiều nghiên cứu còn cho biết việc ăn những thức ăn có chỉ số glycemic cao sau một thời gian dài còn có thể gây ra sự kháng insulin trong cơ thể, dẫn đến bệnh tiểu đường dạng 2 và bệnh béo phì.
Theo TNO