Thu nhập khá từ vườn bơ OCOP 3 sao
(BDO) Đến ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng hỏi về vườn bơ đạt chất lượng cao của gia đình ông Võ Văn Thành rất nhiều người biết. Vườn bơ được gia đình ông trồng từ năm 2019, trên diện tích 3 ha. Nhờ được chăm sóc theo quy trình VietGAP, năm 2024 sản phẩm bơ của gia đình ông đã được UBND huyện Dầu Tiếng công nhận đạt OCOP 3 sao.
Ông Võ Văn Thành bên vườn bơ booth của gia đình
Nắm bắt được lợi thế về đất đai, khí hậu phù hợp cho việc trồng bơ booth, ông Thành đã trồng loại cây này. Sau 4 năm trồng, 700 cây bơ booth của gia đình ông Thành phát triển nhanh và cho năng suất cao. Ông cho biết trước khi quyết định trồng bơ booth, ông đãtrực tiếp đi tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc tại các nhàvườn ở tỉnh Đắk Lắk. Ông nhận thấy giống bơ booth không kén đất và dễ trồng, ít bị sâu bệnh, vốn đầu tư không cao, lại phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương.
Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn bơ đang giai đoạn sung sức và chuẩn bị cho mùa thu hoạch kế tiếp, ông Thành chia sẻ ưu điểm của giống bơ này là cho thu hoạch sau vụ bơ chính khoảng 2-3 tháng (tức là từ tháng 8-10 hàng năm). Đặc biệt, loại trái bơ này có vỏ màu xanh đậm, to và đều, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao, trung bình khoảng 3-5 trái/kg. Từ năm thứ 3, vườn bơ đã cho thu hoạch. Nhờ biết cách tính toán kinh tế, đồng thời nắm bắt, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cụ thể là sử dụng hệ thống tưới nước tự động tiết kiệm, nên vườn bơ của gia đình ông Thành luôn xanh tốt, ít bị sâu bệnh, mỗi cây bơ có thể cho thu hoạch khoảng 100kg/ năm. “Từ khi hái xuống cho đến khi bơ chín là khoảng 10-12 ngày. Bơ booth trái tròn, vỏ dày cứng và chắc nên rất thuận tiện khi vận chuyển. Vụ đầu thu hoạch, vườn bơ booth mang lại cho gia đình tôi trên 300 triệu đồng”, ông Thành cho hay.
Ông Thành chia sẻ gia đình ông xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao cho trái bơ tươi với mục tiêu giới thiệu đến người tiêu dùng một dòng bơ chất lượng cao, canh tác sạch. Để xây dựng sản phẩm OCOP, nhà vườn phải bảo đảm rất nhiều tiêu chí, từgiống, quy trình chăm sóc, nguồn gốc, phân bón đến chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… Với tất cả các sản phẩm OCOP nói chung và trái bơ tươi nói riêng, thương hiệu OCOP được xem như một “bảo chứng” về chất lượng, độ an toàn cho người tiêu dùng. “Sau khi trực tiếp thực hiện hồ sơ, thủ tục, quy trình xây dựng sản phẩm OCOP, các sản phẩm bơ đạt OCOP của gia đình có chất lượng tốt vì quy trình xây dựng rất nghiêm túc, với các tiêu chí thực sự sát với yêu cầu của người tiêu dùng”, ông Thành nói.
THOẠI PHƯƠNG - HẢI DƯƠNG