Thu nhập khá từ nghề làm lân thủ công

Thứ ba, ngày 22/10/2024

(BDO) Với niềm đam mê của mình, anh Võ Hoàng Tánh (29 tuổi), Trưởng đoàn Lân sư rồng Quang Nghệ (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An) đã sáng tạo và “thổi hồn” vào những chú lân nhỏ mang tính nghệ thuật cao. Đặc biệt, không chỉ tiêu thụ trong nước, sản phẩm của anh còn được xuất khẩu sang các nước.

 Anh Võ Hoàng Tánh (giữa) cùng các thợ cần mẫn hoàn thiện sản phẩm lân nhỏ bằng thủ công

 Xuất khẩu lân sang các nước

Theo nghề múa lân sư rồng từ năm 13 tuổi, do đó hình ảnh những chú lân khỏe khoắn, đầy tính nghệ thuật từ lâu đã gắn liền với anh Võ Hoàng Tánh. Khoảng 5 năm trước, anh Tánh “vô tình” bén duyên với công việc tạo hình lân mini từ mây và tre. “Thời điểm đó, tôi có dư một ít nguyên liệu khi làm các chú lân lớn, nên tôi tận dụng uốn thành hình chú lân nhỏ hơn để làm đồ chơi.

Sau khi vẽ, dán giấy và đắp vải hoàn chỉnh, tôi đăng chú lân lên mạng xã hội, không ngờ được mọi người yêu thích và ngỏ ý muốn đặt hàng mua sản phẩm đó. Từ đó, tôi mới bắt tay vào làm dòng sản phẩm này”, anh Tánh chia sẻ. Vốn quen làm lân lớn, do đó khi tạo hình lân nhỏ (dài khoảng 30cm) anh Tánh gặp nhiều khó khăn khi bẻ dáng và lên chi tiết sao cho chú lân nhỏ thật sống động. Nguyên liệu anh sử dụng chủ yếu là tre và mây, về sau là khung kẽm nên hầu như cả bàn tay anh Tánh đều bị cắt xước. Anh Tánh cho hay một con lân nhỏ làm hoàn chỉnh chi phí trung bình khoảng 1,5 triệu đồng.

Tùy yêu cầu của khách hàng về tạo thế đứng và thêm các chi tiết độc đáo khác như kim sa, lông ngũ sắc, râu Tề Thiên, mão công, mão phượng, đèn led… sẽ có mức giá khác nhau. Lân bán chạy nhất là vào dịp Tết Trung thu, Tết Âm lịch, Lễ hội rằm tháng Giêng… Từ đầu năm đến nay, anh đã bán hơn 300 con lân các loại, dự kiến lượng hàng bán ra sẽ tăng thêm 500 con từ nay đến Tết Âm lịch 2025. Ngoài ra, anh cũng có lượng khách hàng khá ổn định từ các nước như Singapore, Malaysia, Trung Quốc…

“Giữ hồn” cho sản phẩm văn hóa

 Mặc dù thị trường đã có nhiều sản phẩm lân nhỏ công nghiệp với dây chuyền sản xuất hiện đại, số lượng lớn và giá thành rẻ, nhưng anh Võ Hoàng Tánh vẫn chọn cách tạo hình lân uốn kẽm bằng tay, bởi theo anh điều này giữ được “cái hồn” cho lân. “Khi đổ khuôn, dáng lân chỉ cố định một tư thế, làm cho sản phẩm rất khô cứng và không có sự sáng tạo riêng. Chỉ khi chạm tay tạo hình trực tiếp, tôi có thể chủ động để lân có nhiều dáng đứng, ngồi khác nhau.

 Các mẫu lân nhỏ được tạo dáng sống động, mang ý nghĩa may mắn, tài lộc

Từ đó, lân sẽ có hồn hơn, thân hình cũng mềm mại, uyển chuyển. Hiện nay, nhiều khách hàng lại chuộng lân thủ công này hơn”, anh Tánh cho biết. Là khách hàng thường xuyên của anh Tánh, anh Lý Kiến Thành ở phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, cho biết: “Tôi rất thích mặt hàng lân nhỏ thủ công của Tánh, vì từ công đoạn uốn kẽm, nét vẽ cho đến gắn lông, dán kim sa đều rất công phu. Do đó, khi mang lân làm quà tặng cho khách hàng sẽ thể hiện ý nghĩa trân trọng và chúc họ thành công với công việc”.

Gắn bó với nghề lân sư rồng hơn 10 năm, anh Tánh hầu như hiểu rất rõ về thần thú này. Với anh, nghề múa lân, làm lân không chỉ là một công việc mà còn là cuộc sống. “Lân là một trong tứ linh, đại diện cho sự may mắn, xua đuổi điều dữ nên thường được dùng để múa khai trương hoặc các sự kiện, lễ hội long trọng.

Cùng những mẫu lân nhỏ thủ công, tôi cũng muốn những sản phẩm mỹ nghệ khác như gốm sứ, đan lát, nón lá… sẽ càng được nhiều người biết đến hơn, bởi không chỉ sự đầu tư chỉn chu vào từng công đoạn mà còn là cả cái tâm, cái tình của người thợ”, anh Tánh nói.

 Anh Võ Hoàng Tánh chia sẻ, công đoạn khó nhất là lên lông cho lân, anh dùng lông thỏ để xỏ và đắp các chi tiết nên đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì vì đầu sợi lông rất nhỏ. Thời gian đầu, anh mất hơn 1 tuần mới làm xong mẫu lân nhỏ hoàn chỉnh, sau này rút ngắn còn khoảng 2 ngày để bảo đảm đơn hàng khách đã đặt.

 THƯỢNG HẢI