Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Ấn tượng từ đầu năm

Thứ hai, ngày 12/03/2018

Hôm nay (12-3), lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư đợt I-2018 cho 18 nhà đầu tư với tổng số vốn 143 triệu USD và 955 tỷ đồng. Tại đây, cũng diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ về hợp tác của Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) 2018 giữa tỉnh Bình Dương với thành phố Daejeon, Hàn Quốc; ký kết hợp đồng mở rộng dự án của Tập đoàn Far Eastern. Thông qua sự kiện này, Bình Dương phát đi thông điệp đầy ấn tượng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

(BDO)

 Sản xuất tại Công ty Kumho Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI

 Vốn FDI tiếp tục rót mạnh vào tỉnh

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 2 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút 435 triệu USD vốn FDI. Trong số này gồm 31 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 233,9 triệu USD, 13 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 141,5 triệu USD và 18 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp 59,6 triệu USD. Đến nay, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI (chỉ sau TP.Hồ Chí Minh) với tổng số vốn đăng ký 30,66 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn FDI đầu tư trong cả nước.

Hai tháng qua, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 376 triệu USD vốn FDI, gồm 27 dự án mới, 8 dự án điều chỉnh tăng vốn và 7 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần. Các dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp thu hút 58,3 triệu USD, gồm 4 dự án đăng ký mới, 5 dự án điều chỉnh tăng vốn và 11 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần. Các dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngoài các khu, cụm công nghiệp đều chủ yếu là lĩnh vực dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lắp đặt, xây dựng…).

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đạt 274 triệu USD tính từ đầu năm, chiếm 63,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực thương mại, kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn 159,6 triệu USD, chiếm 36,74% tổng vốn đăng ký. Đáng chú ý, trong số các dự án FDI có nhhiều dự án đầu tư đăng ký vốn lớn, như 2 dự án kinh doanh dịch vụ logistics, bất động sản công nghiệp do Tập đoàn Tài chính Warburg Pincus liên doanh cùng Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) đầu tư tại Khu công nghiệp Bàu Bàng và Khu công nghiệp Mỹ Phước III có tổng vốn đăng ký 135,2 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc của Công ty TNHH Apparel Far Eastern tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A (VSIP II-A) có vốn đăng ký 25 triệu USD; dự án sản xuất, gia công sản phẩm từ xốp của Công ty TNHH xốp Serim Vina tại Khu công nghiệp VSIP II-A có vốn đăng ký 20 triệu USD…

Phấn đấu hoàn thành sớm kế hoạch

Đến nay, Bình Dương đã thu hút 3.037 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 30,66 tỷ USD. Trong số các dự án FDI, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút 1.878 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 19,52 tỷ USD, chiếm 68,5% số vốn FDI trên toàn tỉnh.

Năm 2018, Bình Dương tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp gắn với thực hiện chương trình “Đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020”; chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ, phát triển đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp phụ trợ, các dự án ít gây ô nhiễm môi trường và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách...

Ông Kawaue Junichi, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Chúng tôi có niềm tin đặc biệt lớn đối với chính quyền địa phương. Không chỉ làm tốt công tác kêu gọi đầu tư, Bình Dương đã có nhiều chính sách cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng phát triển. Tôi cho rằng, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, đô thị, dịch vụ…”.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong thời gian tới, lãnh đạo và các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… Ông cũng nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh luôn trân trọng, lắng nghe những ý kiến góp ý chân thành, trách nhiệm của các nhà đầu tư để có những giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới.

Trong năm 2018, Bình Dương đề ra kế hoạch thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI. Chỉ từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 435 triệu USD vốn FDI, nên mục tiêu này là hoàn toàn khả thi. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới cũng như sự kiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết, cho thấy Bình Dương còn nhiều cơ hội thu hút vốn FDI phục vụ nhu cầu phát triển trong thời gian tới.

 KHÁNH VINH

Từ khóa: