Thu hút FDI hướng đến tiêu chuẩn “xanh”
(BDO) Đột phá từ dự án tỷ đô
Lego đã có 5 nhà máy sản xuất trên toàn cầu, do đó việc doanh nghiệp (DN) này lựa chọn Bình Dương làm điểm đến để xây dựng nhà máy mới (vốn đầu tư 1,3 tỷ đô la Mỹ) là một thành công rực rỡ trong việc thu hút vốn FDI của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.
Theo ông Preben Elef, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego, đây cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Nhà máy không có khí thải carbon, nguồn điện sử dụng hoạt động là năng lượng tái tạo cung cấp từ hệ thống tấm pin mặt trời từ cánh đồng pin ngay bên cạnh nhà máy, do đó tác động tích cực đến môi trường, hệ sinh thái. Đặc biệt, nhà máy được xây dựng đáp ứng mức tiêu chuẩn của Leed Gold - Chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu, góp phần vào mục tiêu giảm 37% lượng khí thải carbon tuyệt đối của tập đoàn vào năm 2032 (so với mức của năm 2019).
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Tập đoàn Lego (Đan Mạch) khởi công dự án tại KCN VSIP III, TX.Tân Uyên, Bình Dương
Sau “cú hích” từ Lego, nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm tìm hiểu và đầu tư các dự án vào Bình Dương ngày càng chất lượng hơn, xanh hơn. Đơn cử, Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) cũng đã quyết định đầu tư dự án 100 triệu đô la Mỹ vào Bình Dương. Dự án này cũng dự kiến sử dụng 100% năng lượng tái tạo, với hơn 6.000 việc làm và cũng sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn Leed Gold. Hay mới đây, Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) cũng đến Bình Dương tìm hiểu và muốn đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ để thành lập khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon đầu tiên của Việt Nam trên diện tích 180 ha tại Cụm công nghiệp Tam Lập 2, huyện Phú Giáo.
Triển vọng dòng vốn chất lượng
Mới đây, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) và Công ty Sembcorp Development LTD (Singapore) vừa ký kết ghi nhớ về việc hợp tác hình thành và phát triển 5 khu công nghiệp (KCN) theo định hướng xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đô la Mỹ. Việc ký kết bản ghi nhớ này một lần nữa Bình Dương và DN trên địa bàn tỉnh thể hiện cam kết đáp ứng theo tiêu chuẩn xanh, thông minh và bền vững, sử dụng công nghệ 4.0 trong phát triển và quản lý cơ sở hạ tầng để vận hành DN hiệu quả hơn.
Theo ông Jaya Ratnam, đại sứ Singapore tại Việt Nam, kinh tế xanh là một trong 3 lĩnh vực đang hấp dẫn nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Việt Nam, bên cạnh logistics và kinh tế số. Các DN Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam để tăng cường đầu tư vào hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo với mục tiêu đầy tham vọng là đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác, mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Kelvin Teo, Giám đốc điều hành Tập đoàn Semncorp Development chia sẻ tập đoàn cam kết sẽ tiếp tục phát triển những dự án tại các KCN VSIP ở Bình Dương. Nhất là, phát triển VSIP III trở thành KCN xanh, thông minh và không rác thải đầu tiên của tập đoàn.
KCN VSIP III, rộng 1.000 ha tại TX.Tân Uyên được thiết kế phát triển xanh, bền vững, tích hợp công nghệ thông minh và sử dụng các thiết bị giám sát theo thời gian thực trong các hoạt động của KCN. Dự án đạt điều kiện để được cấp Chứng nhận xanh (Green Mark) của Cơ quan Quản lý xây dựng Singapore (BCA) đối với các KCN. Điểm nổi bật của KCN VSIP III là trang trại năng lượng mặt trời rộng 50 ha sẽ cung cấp điện cho toàn KCN. Ngoài ra, Tập đoàn Sembcorp cũng triển khai đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0 tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) với mong muốn thu hút nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các nhà máy thông minh ở Bình Dương.
Việc hướng đến sản xuất xanh trở thành xu thế tất yếu và được xem là một mắt xích trong chiến lược tăng trưởng xanh. Kinh tế xanh cũng chính là động lực để duy trì tăng trưởng và thu hút đầu tư. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững, tạo động lực thu hút các dòng vốn đầu tư mới.
Vừa qua, khi trao đổi với lãnh đạo tỉnh về việc mong muốn đầu tư Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon tại Bình Dương, ông Hyun Dong-Hoon, Giáo sư trường Đại học Kỹ thuật Hàn Quốc, Chủ tịch Tập đoàn SEP, cho biết “Xanh hóa” sản xuất đang là xu thế toàn cầu mà DN bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy Tập đoàn SEP muốn đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon đầu tiên của Việt Nam tại Bình Dương.
“Với mong muốn đến năm 2024, chúng tôi sẽ giới thiệu mô hình trung hòa carbon đến các KCN tại Bình Dương. Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon cụm ngành giày đầu tiên này có khả năng tính toán scope 1,2,3 và lượng khí thải carbon theo yêu cầu của các đối tác nước ngoài như Nike đang làm”, ông Hyun Dong-Hoon chia sẻ.
NGỌC THANH