Thu hút đầu tư nước ngoài: Bình Dương “ghi điểm” với những dự án lớn

Thứ hai, ngày 10/07/2017

(BDO)

Không chỉ gây ấn tượng mạnh về số vốn đầu tư, thời gian qua công tác thu hút đầu tư của Bình Dương còn gây ấn tượng mạnh với những dự án lớn vào các lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp phụ trợ...

6 tháng, vượt kế hoạch năm

Trong những năm qua, Bình Dương đã thực hiện tốt việc thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển tỉnh nhà, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trở thành nguồn lực quan trọng để tỉnh nhà thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa. Nhờ đó, Bình Dương đã đạt được nhiều thành quả trên các lĩnh vực, trở thành địa phương phát triển năng động bậc nhất của cả nước.

Năm 2016, toàn tỉnh đã thu hút được 2,11 tỷ USD, đạt 151% kế hoạch năm. Đáng chú ý, trong năm qua vốn FDI vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên đến 201 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,3 tỷ USD và 89 dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn đầu tư tăng thêm là 513,9 triệu USD. Quý I-2017, thu hút vốn FDI của tỉnh đã đạt 96% kế hoạch năm, với 1,344 tỷ USD.


Sản xuất tại Công ty May mặc ChuTex (Khu công nghiệp Sóng Thần, TX.Dĩ An).
Ảnh: XUÂN THI

Nhờ tăng cường các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm ăn, trong những tháng tiếp theo, Bình Dương tiếp tục thu hút đầu tư nhiều dự án FDI khác. Tính đến hết tháng 5-2017, Bình Dương đã thu hút hơn 1,6 tỷ USD, đạt 115% kế hoạch của cả năm. Trong số này có 82 dự án đầu tư mới (với số vốn 974 triệu USD), 43 dự án điều chỉnh tăng vốn (số vốn 640 triệu USD), 19 dự án góp vốn (số vốn 16,4 triệu USD). Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 2.931 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký lên đến 27,4 tỷ USD.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cho biết trong thời gian qua, tỉnh đã tích cực triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp... nhờ đó các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính của tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Đây là những yếu tố quan trọng giúp cho công tác thu hút đầu tư của tỉnh ngày càng hiệu quả, nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến Bình Dương và tiếp tục tin tưởng rót vốn vào sản xuất, kinh doanh tại đây.

Nhiều dự án lớn

Thời gian qua, Bình Dương không chỉ được xem là một trong những địa phương thu hút vốn FDI tốt nhất của cả nước nhờ vào tổng số vốn, mà còn là nơi thu hút những dự án lớn vào tỉnh. Trong số này phải kể đến dự án về hạ tầng khu công nghiệp lớn nhất được cấp phép là Dự án Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III, có tổng vốn đầu tư hơn 284,7 triệu USD, do Công ty Liên doanh Việt Nam - Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư. Đây là khu công nghiệp được kỳ vọng tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong thời gian tới. Báo cáo mới nhất của VSIP cho biết, trong 6 tháng đầu năm các khu công nghiệp của VSIP tại Bình Dương đã thu hút gần 652 triệu USD vốn FDI, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2016 và vượt hơn 80% kế hoạch năm.

Theo đánh giá của nhà đầu tư, các khu công nghiệp tại Bình Dương được đầu tư tốt về hạ tầng, điều kiện giao thông thuận lợi, có những khu công nghiệp được quy hoạch riêng để thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ… Vì thế, nơi đây tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các dự án có quy mô lớn. Từ nhiều năm nay, Bình Dương đã ký ghi nhớ với nhiều địa phương của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản… Qua công tác xúc tiến đầu tư, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của những nước này cũng có các cam kết mạnh mẽ về việc triển khai dự án mới hoặc tăng vốn đầu tư cho những dự án hiện hữu trong thời gian tới.

Trong số các dự án mới được cấp phép tại Bình Dương, lớn nhất là Dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 của Công ty TNHH Công nghiệp KOLON Bình Dương (Hàn Quốc) có vốn đầu tư đăng ký 220 triệu USD, chuyên sản xuất sợi lốp Polyester HMLS bằng sợi có độ bền cao để làm vật liệu gia cố cho lốp xe ô tô. Bên cạnh đó là Dự án của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) tăng thêm vốn 485,8 triệu USD - mức cao nhất trong số các dự án điều chỉnh vốn tại tỉnh. Dự án có mục tiêu hoạt động là sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester gồm xơ dài filament, sản phẩm sợi cotton, sợi tổng hợp và dệt kim.

Ngoài 2 dự án nói trên, còn có nhiều dự án khác thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động được đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Những dự án lớn, có quy mô hàng trăm triệu USD đầu tư tại Bình Dương không chỉ cho thấy sự hiệu quả, năng động của chính quyền địa phương mà còn thể hiện niềm tin rất lớn của nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.

KHÁNH VINH