Thu hút đầu tư, nâng tầm dịch vụ logistics

Thứ sáu, ngày 25/08/2023

(BDO) Dịch vụ logistics hiện là một trong những ngành được Bình Dương quan tâm, đầu tư. Các dự án đầu tư logistics vào tỉnh ngày càng có quy mô lớn, mức độ chuyên môn hóa cao, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển. Với mong muốn tìm được các dự án phù hợp, đối tác tiềm năng để phát triển logistics chất lượng, Bình Dương tiếp tục tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng logistics.

 Bình Dương mong muốn tìm được các dự án phù hợp, đối tác tiềm năng để phát triển dự án logistics chất lượng trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Cảng Bình Dương cung cấp dịch vụ logistics khá tốt cho các doanh nghiệp

 Tăng sức cạnh tranh

Đến nay, có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn đã đầu tư các dự án hạ tầng logistics vào Bình Dương như: Tập đoàn Warburg Pincus, Tập đoàn Schenker - Gemadept Logistics, Kerry Interrated Logistics, Yusen Logistics, FM Logistics, Lazada Logistics…

Tập đoàn Warburg Pincus (Hoa Kỳ) và Becamex IDC đã triển khai kế hoạch đầu tư Dự án Trung tâm Thương mại điện tử xuyên biên giới với quy mô 75 ha. Ông Charles R. Kaye, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Warburg Pincus, chia sẻ đến nay dự án đã phát triển thành công vược bậc. Hiện với 1,5 triệu m2 sàn đã được xây dựng, đó là cơ sở để Tập đoàn Warburg Pincus cùng với Becamex IDC tiếp tục hợp tác triển khai thêm dự án mới về sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và một số dự án khác.

Để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, Bình Dương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, tỉnh tập trung đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics được thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí cho DN; đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch các trung tâm logistics, cảng cạn kết nối vào thực tế để nhanh chóng hình thành khu vực vệ tinh cho các cảng luân chuyển hàng hóa nhanh hơn.

UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tìm đối tác có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng cảng An Tây đúng theo quy định. Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027. Theo đó, cảng sông An Tây có công suất theo quy hoạch dự kiến đến năm 2030 đạt 7 triệu tấn/năm, có thể đón tàu chở container khoảng 3.000 tấn vận chuyển bằng đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn. Cảng An Tây được xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động vận tải hàng hóa, hình thành chuỗi dịch vụ logistics (dịch vụ hậu cần) với mô hình vận tải đa phương thức.

Dự án cảng sông An Tây nằm giáp sông Sài Gòn có diện tích 100 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ trở thành trung tâm luân chuyển hàng hóa khu vực, giảm tải giao thông cho các tuyến đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát triển logistics xứng tầm

Trao đổi tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh mới đây, ông Rene Piil Perdesen, Chủ tịch phụ trách đối ngoại và chính sách công, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn A.P Moller Maersk (Đan Mạch), cho biết tập đoàn mong muốn tìm hiểu chi tiết hơn về hệ sinh thái công nghiệp và định hướng phát triển sắp tới của tỉnh để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư mới về kho bãi, trung tâm logistics quy mô lớn phục vụ cho việc hoạt động lâu dài ở Bình Dương.

Được biết Tập đoàn Maersk là nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp lớn nhất đến từ Đan Mạch, có lịch sử hình thành từ năm 1904, hoạt động trên khắp 130 quốc gia và có hơn 100.000 nhân lực, cung cấp các giải pháp kỹ thuật số tiên phong nhằm giải quyết những khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Maersk Việt Nam thành lập từ năm 1991, đến nay có hơn 1.300 nhân viên trực tiếp trên cả nước, là công ty logistics đầu tiên ở Việt Nam sở hữu 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh ở Bình Dương, với mảng kho bãi, Maersk đang sử dụng 5 cụm kho với tổng diện tích khoảng 151.000 m2 đặt tại các khu vực logistics chiến lược của tỉnh. Trong đó, hơn 50% điện năng là sử dụng năng lượng mặt trời, 100% đèn tiết kiệm năng lượng và các sáng kiến tiết kiệm nước, giấy cũng như sử dụng lại các nguyên vật liệu trong kho, tối giản đến mức có thể.

Ông Rene Piil Perdesen, cho biết Maersk luôn cam kết và chú trọng vào các hoạt động phát triển bền vững, tạo các giá trị cho cộng đồng. Tập đoàn đang nỗ lực giảm thiểu các tác động đến môi trường khi chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu xanh trong vận hành tại các cảng và mạng lưới hậu cần, bao gồm cả việc sử dụng xe tải điện hạng nặng. Maersk cam kết đầu tư mạnh mẽ hơn không chỉ về cơ sở vật chất, vận tải mà còn cả về trang thiết bị để nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành, cho biết để khai thác tối ưu những lợi thế của tỉnh trong phát triển dịch vụ logistics, Bình Dương đang quyết liệt triển khai, bám sát quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với phát triển ngành dịch vụ logistics. Bình Dương cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút các DN có năng lực về hoạt động logistics tới nghiên cứu đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics đã được UBND tỉnh quy hoạch; phát triển DN khu vực kinh tế tư nhân thuận lợi trong kinh doanh dịch vụ logistics. Bình Dương cam kết luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

 Theo dự thảo kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phân phối đến các tỉnh/thành phố trong khu vực, xuất khẩu ra nước ngoài. Giai đoạn 2022-2025 có 100% trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (ELogistics - Logistics trên nền thương mại điện tử); hình thành hệ thống các cảng trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính kết nối với các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, gồm: Cảng An Sơn, An Tây, An Điền; nâng cấp cảng Bình Dương đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế.

 NGỌC THANH