Thu hút đầu tư - không chỉ từ con số
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bình Dương tiếp tục tạo dấu ấn trong lĩnh vực thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ riêng trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), Bình Dương đứng thứ 2 trên cả nước, sau TP.Hồ Chí Minh. Câu chuyện Bình Dương tiếp tục vượt chỉ tiêu trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, không chỉ bây giờ mới diễn ra, thực tế nhiều năm qua, chỉ tiêu này đều đạt và vượt kế hoạch.
(BDO) Trên bình diện cả nước, trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã thu hút được gần 20 tỷ USD vốn (đăng ký) đầu tư FDI, trong đó riêng Bình Dương đã chiếm tới gần 1,7 tỷ (chỉ tiêu của tỉnh trong năm 2017 là 1,4 tỷ USD, đạt 119% kế hoạch). Đáng chú ý, trong số gần 1,7 tỷ USD vốn FDI của Bình Dương trong 6 tháng đầu năm là con số gần 300 triệu USD của Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (một liên doanh trên cơ sở hợp tác giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Singapore, trong đó đối tác phía Việt Nam chính là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TNHH MTV Becamex IDC) để xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) III. Có vẻ như trong tương quan về số vốn gần 300 triệu USD của công ty này để thực hiện VSIP III so với số vốn gần 1,7 tỷ USD mà Bình Dương cũng như gần 20 tỷ USD vốn FDI của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2017 là một con số bình thường, nhưng lại rất “biết nói”! Vì đây không chỉ là một con số đầu tư đơn thuần, mà từ đó sẽ tạo ra những con số ấn tượng khác. Gần 300 triệu USD thôi, nhưng sẽ tạo dựng thêm cho Bình Dương những điều kiện để tiếp tục tăng tốc thu hút thêm các nguồn lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Như đã biết, VSIP có khởi nguồn trên cơ sở hợp tác giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Singapore, trong đó mô hình VSIP I (TX.Thuận An) đầu tiên tại Bình Dương đã rất thành công. Tiếp đó, mô hình này đã trở thành một kiểu mẫu, được mở rộng thành VSIP II (trong Khu liên hợp Công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương) và bây giờ là VSIP III. Nhưng trước khi có VSIP III, mô hình VSIP đã lan tỏa tại các tỉnh, thành trong cả nước, như tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, rồi Nghệ An... Ngay tại Bình Dương, sau khi VSIP I tại TX.Thuận An được xây dựng thành công, đã tạo một sự lan tỏa để địa phương phát triển các khu công nghiệp khác trên địa bàn TX.Dĩ An, TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng, TX.Tân Uyên…; để rồi Bình Dương tiếp tục phát triển và hiện đã hình thành 28 khu công nghiệp hiện hữu với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ câu chuyện của mô hình VSIP đầu tiên thành công, rồi mở rộng tại Bình Dương và lan tỏa, phát triển hơn nữa ở các tỉnh, thành khác trong cả nước cho thấy, một khi địa phương nào sẵn sàng “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, coi thành công của doanh nghiệp chính là thành công của địa phương mình, tạo dựng được môi trường đầu tư thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo được thương hiệu trong thu hút đầu tư, phát triển, thì việc các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến đầu tư, sản xuất - kinh doanh sẽ như là câu chuyện “châu về hợp phố”, “cá chép hóa rồng”!
Suy rộng ra, kết quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước mà Bình Dương liên tiếp đạt và vượt kế hoạch trong những năm qua có khởi nguồn chính từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước; đặc biệt tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ; “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, coi thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của địa phương, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Và mô hình VSIP chính là một minh chứng điển hình, khẳng định những chủ trương, cơ chế, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo địa phương.
THÀNH SƠN