Thu hút đầu tư để phát triển

Thứ sáu, ngày 25/11/2016

(BDO) Năm 2016, Bình Dương đã gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Tuy vậy, để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn mới, tỉnh đang tiếp tục quảng bá, thu hút đầu tư để hoàn thành kế hoạch phát triển đã đề ra.

Vốn FDI tăng cao

Năm 2015 là năm rất thành công của Bình Dương trên lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó, tỉnh đã thu hút được gần 3,3 tỷ USD vốn FDI, chủ yếu đầu tư vào những dự án lớn, có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động; trong đó cấp mới 216 dự án với số vốn đăng ký là 2,4 tỷ USD và điều chỉnh tăng vốn hơn 900 triệu USD. Điều đáng mừng là trong số này, có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, vốn là ngành mà Việt Nam đang bị đánh giá vừa thiếu lại vừa yếu.


Năm 2016, Bình Dương tiếp tục thu hút nhiều vốn FDI.
Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất gỗ tại Công ty Kaiser (TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI

Năm 2016, các chuyên gia dự đoán có nhiều khó khăn nhưng Bình Dương đã nỗ lực vượt khó, tiếp tục thu hút đầu tư có hiệu quả, môi trường đầu tư cải thiện từng ngày. Tỉnh đã phát huy được những thế mạnh vốn có của mình và tích cực cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại - dịch vụ… được nhiều nhà đầu tư quan tâm rót vốn đầu tư.

Tính đến hết tháng 10-2016, Bình Dương đã thu hút được 1,883 tỷ USD vốn FDI. Trong số này có 221 dự án cấp mới với số vốn 1,264 tỷ USD và 113 lượt dự án tăng vốn với số tiền 620 triệu USD. Đến nay toàn tỉnh đã có 2.808 dự án FDI với tổng số vốn là 25,5 tỷ USD; về đầu tư trong nước đã thu hút được 29.136 tỷ đồng.

Ấn tượng không chỉ dừng lại ở con số thống kê mà còn thể hiện ở chất lượng, lĩnh vực đầu tư… của các dự án. Theo ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Bình Dương đã thu hút được những dự án lớn, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh và quy hoạch phát triển công nghiệp. Phần lớn các dự án FDI tại tỉnh trong thời gian qua đều đầu tư vào các khu công nghiệp hoặc cụm quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp theo đúng quy hoạch. Các lĩnh vực được đầu tư chủ yếu tập trung vào công nghiệp phụ trợ, điện - điện tử, công nghiệp chế biến - chế tạo...

Tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư

Trong phiên họp định kỳ của UBND tỉnh báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh năm 2016 vừa qua, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung huy động nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng, các loại hình dịch vụ hiện đại... với nhiều hình thức đa dạng phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; cùng với đó tiếp tục cải thiện, nâng cấp hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước công cộng, giáo dục, y tế...

Để đạt được mục tiêu nói trên, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tăng cường thực hiện một loạt giải pháp cải thiện môi trường đầu tư; trong đó sẽ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng mới, mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông trục chính kết nối nội bộ tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; cùng với đó tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng mới và mở rộng các khu công nghiệp theo Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, công tác vận động, xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm cũng sẽ được tỉnh đẩy mạnh hơn nữa để kêu gọi nhà đầu tư rót vốn vào các khu công nghiệp với những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, tỉnh sẽ tăng cường thu hút những dự án có hàm lượng công nghệ cao theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh để tiếp tục thực hiện kế hoạch, mục tiêu đã đề ra.

Cụ thể, Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư; phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh. Song song đó, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư tại tỉnh nhà.

Năm 2017, Bình Dương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước qua môi trường mạng; mở chuyên mục về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử. Tỉnh cũng công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh, kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có liên quan...

Năm 2016, công nghiệp chế biến - chế tạo của tỉnh tăng 10%, cung cấp nước và xử lý chất thải tăng 17,3%. Các mặt hàng xuất khẩu cao giữ mức tăng trưởng ổn định như dệt may (6,7%), da và các sản phẩm có liên quan (8,6%), sản xuất thiết bị điện (18,8%), gường tủ và bàn ghế (8,1%)...

Theo đánh giá của UBND tỉnh, sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong năm 2016 có nhiều kết quả tốt. Các doanh nghiệp đã chủ động xúc tiến thương mại, thực hiện đồng bộ giải pháp thúc đẩy sản xuất, tìm kiếm thị trường, xác định mặt hàng chủ lực để tăng khối lượng sản phẩm, gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất.

 

KHÁNH VINH