Thứ hạng và thách thức
(BDO) Theo báo cáo Chỉ số PCI 2021 vừa công bố, Bình Dương tiếp tục dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh của khu vực Đông Nam bộ. Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2021, Bình Dương có 5 chỉ số tăng điểm, gồm: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Thực tế, Bình Dương nhiều năm liền được đánh giá là địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng và tính tiên phong, năng động của chính quyền đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, Bình Dương không bằng lòng với vị trí đã có mà luôn phấn đấu vươn mình về phía trước. Và để bước tiếp chặng đường mới, Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đầu tư hạ tầng, đất đai nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Mục tiêu không chỉ là việc nâng thứ hạng PCI mà còn để Bình Dương luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đặc biệt, trong năm 2021, trước ảnh hưởng hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh, củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Chặng đường mới của Bình Dương sẽ có nhiều thử thách hơn, thứ hạng của các địa phương nhóm đầu “đang chịu nhiều áp lực”, trong đó có Bình Dương. Khoảng cách điểm số PCI của các địa phương cao nhất và thấp nhất ngày càng thu hẹp. Đáng nói, thành tựu cải cách của các địa phương đứng đầu vẫn bó hẹp ở những lĩnh vực dễ thực hiện như cải cách thủ tục hành chính, cán bộ Nhà nước làm việc hiệu quả hơn, thân thiện hơn… Trong khi đó, hạ tầng giao thông, đất đai, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự… đang là những thách thức đặt ra, đòi hỏi các địa phương trong top đầu như Bình Dương phải nỗ lực hết sức, giữ vững sự phát triển.
KHẢI ANH