Thủ Dầu Một sẽ là đô thị trung tâm của thành phố Bình Dương
Theo quy hoạch, TP.TDM sẽ là đô thị loại 1 và trở thành một quận của thành phố Bình Dương vào năm 2020. Trong ảnh: Một góc TP.TDM hiện hữu
Một đô thị đa trung tâm
Theo quy hoạch được duyệt, đô thị Thủ Dầu Một sẽ phát triển theo mô hình đa trung tâm với nguyên tắc phát triển: Cân bằng sự phát triển không gian và kinh tế tại các trung tâm đô thị khác nhau; tổ chức không gian theo nguyên tắc “đô thị nén” trung bình; thiết kế mạng lưới đường và giao thông công cộng rõ ràng cho từng khu vực đô thị; củng cố cấu trúc quan trọng cho cảnh quan sông rạch đối với cấu trúc đô thị; tạo ra ưu điểm nổi bật cho đô thị trung tâm của thành phố Bình Dương.
Với nguyên tắc phát triển đó, đô thị Thủ Dầu Một trong tương lai sẽ được chia thành 3 khu vực chính. Khu vực 1 nằm ở phía nam TP.TDM hiện hữu, quanh đại lộ Bình Dương và đường Phú Lợi. Khu vực này sẽ trở thành khu dịch vụ, kinh doanh, tài chính, thương mại cấp tỉnh; đồng thời là trung tâm chính trị - hành chính của TP.TDM với đầy đủ các công trình dịch vụ đô thị tương đương cấp quận, bao gồm các phường Phú Cường, Phú Hòa, Phú Lợi, Phú Thọ, Chánh Nghĩa, Hiệp Thành. Khu vực 2 nằm về phía đông - bắc của TP.TDM hiện hữu (Khu Liên hiệp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương). Đây cũng sẽ là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của thành phố Bình Dương, bao gồm các phường: Hòa Phú, Phú Tân, Phú Mỹ và một phần xã Tân Vĩnh Hiệp (hiện vẫn thuộc huyện Tân Uyên). Phường Phú Tân sẽ là trung tâm đô thị của khu vực này và trở thành thủ phủ của thành phố Bình Dương trong tương lai. Khu vực 3 nằm ở phía tây TP.TDM hiện hữu, ven sông Sài Gòn. Đây là khu vực du lịch sinh thái bao gồm các phường Định Hòa, Hiệp An và các xã Chánh Mỹ, Tương Bình Hiệp, Tân An và một phần xã Tân Định (huyện Bến Cát hiện nay). Dựa trên diện tích đất nông nghiệp và cảnh quan sông ngòi, khu vực này sẽ dành riêng cho việc phát triển các khu vườn và nhà ở hướng ra sông Sài Gòn nhằm tạo nên kiến trúc cảnh quan, đường phố đẹp mắt; khuyến khích phát triển các biệt thự vườn như là một bản sắc về kiến trúc…
Không phát triển thêm các KCN
Quy hoạch cũng xác định rõ quan điểm về phát triển kinh tế công nghiệp trên địa bàn TP.TDM. Theo đó, với riêng đô thị Thủ Dầu Một, ngoài 6 khu công nghiệp (KCN) hiện hữu là Sóng Thần 3, Phú Gia, Kim Huy, Đại Đăng, VSIP 2, An Hòa, sẽ không phát triển thêm các KCN tập trung mới. Riêng cụm công nghiệp Phú Hòa sẽ được nâng cấp và ổn định quy mô.
Ngoài ra, đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp phân tán trong đô thị hiện có sẽ được tổ chức di dời vào các KCN tập trung; chuyển đổi công năng sang dịch vụ, thương mại đối với các nhà máy, xí nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư, đô thị gây ô nhiễm. Đối với loại hình ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống tại các khu vực Chánh Nghĩa, Tương Bình Hiệp… sẽ được gắn với quy hoạch phát triển du lịch để củng cố xây dựng bản sắc cho đô thị Thủ Dầu Một; nghiên cứu chuyển đổi để tận dụng cảng Bà Lụa trở thành một cảng chuyên dụng cho mục đích du lịch, bến du thuyền và bến taxi nước.
Về kinh tế nông nghiệp, đô thị Thủ Dầu Một sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch. Trong giai đoạn 2010-2030 sẽ tập trung nghiên cứu quy hoạch không gian nông nghiệp, nhà vườn phía Bắc theo lưu vực sông Sài Gòn và Thị Tính. Thủ Dầu Một cũng sẽ dành quỹ đất để phát triển nông nghiệp vành đai xanh xung quanh đô thị thuộc không gian Suối Cái phía đông Thủ Dầu Một và rạch Bà Lụa ở phía nam…
Mục tiêu quy hoạch
Đến năm 2015, Thủ Dầu Một là đô thị loại 2 với 12 phường, 2 xã, vẫn là thành phố trực thuộc tỉnh. Đến năm 2020, Thủ Dầu Một là đô thị loại 1 với 14 phường, trở thành một quận của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương. Quy hoạch nhằm xây dựng đô thị Thủ Dầu Một phát triển bền vững, có hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa với văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng bảo vệ môi trường; xây dựng Thủ Dầu Một trở thành đô thị năng động, có sức cạnh tranh cao trong tỉnh, trong nước, có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và cơ hội đầu tư thuận lợi.
Đến năm 2015, dân số toàn đô thị Thủ Dầu Một đạt 374.825 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 90,66%. Đến năm 2020, dân số toàn đô thị Thủ Dầu Một đạt 515.520 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 100%. Tầm nhìn đến năm 2030, dân số toàn đô thị Thủ Dầu Một đạt 600.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 100%.
Định hướng phát triển nhà ở
Năm 2015, dự kiến diện tích nhà ở bình quân theo đầu người của đô thị Thủ Dầu Một đạt 22m2/sàn/ người, giai đoạn 2020-2030 sẽ đạt trên 25m2/sàn/người. Nhà ở thuộc các phường khu vực phía nam được nâng cấp theo dạng ô phố, từng bước cấy ghép một số mô hình tiên tiến dạng chung cư cao tầng mật độ thấp. Nhà ở khu vực phía bắc chủ yếu là dạng nhà vườn thấp tầng. Khu vực phía đông phát triển nhà ở cao cấp, hiện đại, ưu tiên cho chung cư cao tầng kết hợp với dịch vụ, thương mại. Nhà ở khu vực phía tây sẽ phát triển theo hướng nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái…
Khu vực hạn chế xây dựng
Các khu vực được hạn chế xây dựng gồm các khu vực vành đai xanh xung quanh Thủ Dầu Một, khu vực hành lang xanh sinh thái dọc suối Giữa, khu vực cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn, các vùng đệm xanh ven kênh rạch tại Thủ Dầu Một được sử dụng làm hành lang thoát lũ. Công trình xây dựng chỉ được xây dựng với mật độ thấp tại các khu quy hoạch vườn và cây trái sinh thái (Chánh Mỹ, Tân Định, Định Hòa). Khu vực trung tâm Thủ Dầu Một hiện hữu (Phú Cường) sẽ hạn chế xây dựng về tầng cao và mật độ xây dựng.
ĐÀM THANH
THÀNH SƠN