Thủ Dầu Một đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Dương

Thứ bảy, ngày 04/11/2017

(BDO) Ngày 2/11, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã chủ trì Hội nghị thẩm định đề án đề nghị công nhận TP Thủ Dầu Một là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Dương.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì Hội nghị thẩm định.

Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một Nguyễn Lộc Hà và các thành viên hội đồng thẩm định…

Thủ Dầu Một có diện tích tự nhiên 11.890,6ha, quy mô dân số đến tháng 12/2016 là 502.976 người. Theo quy hoạch chung TP Thủ Dầu Một đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thủ Dầu Một là đô thị trung tâm tỉnh Bình Dương, có chức năng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa – khoa học kỹ thuật, công nghệ cao của tỉnh; là trung tâm phát triển du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao phục vụ nhu cầu vùng TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ…

Sau 5 năm triển khai thực hiện các mục tiêu tổng quát trong chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2011 – 2015, đến nay TP đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị rất nhanh. Đến giữa năm 2014, Thủ Dầu Một đã được công nhận là đô thị loại II. Cũng từ đây, TP tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nâng cao chất lượng đô thị nhằm hướng tới đạt các tiêu chuẩn đô thị loại I.

Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một Nguyễn Lộc Hà cho biết: Những năm qua, chính quyền đặc biệt quan tâm phát triển đô thị để TP có những bước phát triển khá tốt và tương đối đồng bộ. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011- 2015 là 24.945 tỷ đồng.

Về hạ tầng kỹ thuật, TP cơ bản đầu tư hoàn chỉnh khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị. Các khu công nghiệp trong khu liên hợp được lấp đầy. Công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị đô thị được chú trọng. Các công trình xây dựng được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Cụ thể, TP đã quy hoạch, đầu tư cơ bản hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội theo tiêu chí đô thị loại I 36 dự án khu đô thị - nhà ở có quy mô từ 20 - 50ha, bao gồm cả các dự án đô thị sinh thái, đô thị dịch vụ - thương mại. Hiện TP có tổng diện tích hơn 10 triệu m2 sàn nhà ở. Bình quân diện tích nhà ở của thành phố đạt 20,4 m2 sàn/người.

TP đang tiếp tục đầu tư hình thành các khu nhà ở, thương mại – dịch vụ, công viên, quảng trường ở một số khu vực ven sông Sài Gòn; xây dựng một số dự án bảo vệ môi trường, công viên, ứng dụng công nghệ thông tin để từng bước phát triển đô thị xanh – thông minh, tạo diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị và nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.

TP cũng đã hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng nhiều dự án, công trình trọng điểm giao thông trên địa bàn. Tổng chiều dài các tuyến chính trong khu vực TP có chiều rộng từ 7,5m trở lên là 545km. Mật độ đường chính trong khu vực TP đạt 10,9km/km2. Đất giao thông đô thị chiếm 21% tổng diện tích đất xây dựng đô thị, đạt chỉ tiêu 20,9m2/người.

Hơn thế, do nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Đông Nam bộ nên giao thông đối ngoại của Thủ Dầu Một rất phát triển, thông qua các trục đường bộ huyết mạch như QL13, QL14, đường HCM, đường xuyên Á… và các tuyến đường sắt, đường thủy.

TP cũng đã mở rộng mạng lưới hệ thống cấp – thoát nước, bảo đảm tỷ lệ dân số được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 100%, với tiêu chuẩn 125 lít/người/ngày. Hệ thống thoát nước được đầu tư đồng bộ với hệ thống giao thông. Các khu đô thị mới, khu dân cư đều thiết kế 2 hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt. Các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất mới đề có trạm xử lý nước thải. 100% tuyến đường do TP quản lý và 85,5% đường do phường quản lý có hệ thống chiếu sáng công cộng.

Về hạ tầng xã hội, TP đã xây dựng mới theo hướng đạt chuẩn quốc gia nhiều trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa; xây dựng mới 4 chợ và đang cải tao, nâng cấp 4 chợ khác; đầu tư mới và đưa vào hoạt động 4 siêu thị, 4 trung tâm thương mại, hiện đang xây dựng 4 trung tâm thương mại khác.

Trong thời gian tới, Thủ Dầu Một sẽ tiếp tục thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị, trong đó chú trọng cải tạo một số khu vực trụ sở cơ quan đã di dời; nâng cấp kiên cố hố hệ thống thoát nước từ các rạch, suối ra sông Sài Gòn; rà soát các quỹ đất công để có phương án sử dụng hiệu quả. TP cũng ưu tiên bố trí đất xây dựng các công trình công cộng, công viên, mảng xanh đô thị…


TP Thủ Dầu Một chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ thương mại.

Về kinh tế, giai đoạn 2014 – 2016, Thủ Dầu Một đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 26,6%/năm. Những năm qua, TP phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp, xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản. Riêng năm 2016, tỷ lệ ngành dịch vụ đạt 60,88%, ngành công nghiệp đạt 39,04% và ngành nông nghiệp là 0,08%. Tỷ lệ trên phản ánh đúng thực tế là Thủ Dầu Một không có khu vực ngoại thành. Với chủ trương không phát triển thêm các khu công nghiệp mới, trong tương lai, TP sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ dịch vụ thương mại trong cơ cấu kinh tế.

Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một Nguyễn Lộc Hà nhận định: Việc công nhận thành phố Thủ Dầu Một là đô thị loại I, là phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam, cũng như phù hợp với Chương trình phát triển đô thị Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời phù hợp với định hướng phát triển đô thị của tỉnh Bình Dương, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thủ Dầu Một. Đây cũng tạo cơ hội để TP tiếp tục phấn đấu hoàn thiện, nâng cao chất lượng đô thị về mọi mặt, đảm nhiệm tốt vai trò đô thị với chức năng trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp như chủ trương của tỉnh đã đề ra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, Thủ Dầu Một có đến 37 tiêu chuẩn đã đạt và vượt điểm tối đa tiêu chuẩn theo quy định. Đây là điều mà các đô thị loại I khác cũng khó đạt được.

Thủ Dầu Một cũng có 19 tiêu chuẩn đạt trên mức tối thiểu nhưng chưa đạt mức tối đa. Chỉ có 3 tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối thiểu là mật độ dân số, tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng, nhà tang lễ.

Các thành viên hội đồng đặc biệt đánh giá cao Thủ Dầu Một khi là đô thị cân đối thu chi ngân sách dư. Các tiêu chuẩn về giao thông cao đều đạt và vượt ngưỡng tối đa. Đây là điều mơ ước của không ít đô thị trong cả nước. Thủ Dầu Một cũng là đô thị điển hình của cả nước trong việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Ủng hộ Thủ Dầu Một chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ thương mại… tuy nhiên các thành viên hội đồng cũng đề nghị Thủ Dầu Một cần tập trung đầu tư hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt chuẩn cũng như nâng cao một số tiêu chuẩn khác.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết: Tỉnh sẽ chỉ đạo chính quyền TP Thủ Dầu Một và các Sở, ban ngành trong việc chú trọng đầu tư cho TP hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết, tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển đô thị cho TP Thủ Dầu Một.

Riêng về các góp ý liên quan đến lĩnh vực nghĩa trang, xử lý chất thải rắn, ông Liêm cho biết: Hiện TP Thủ Dầu Một không có khu xử lý chất thải nhưng toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đều được vận chuyển về khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương (cách 25km) để xử lý, đảm bảo hợp vệ sinh. Đây là khu liên hợp xử lý chất thải rắn hiện đại hàng đầu Việt Nam, xử lý triệt để cả nước rỉ rác.

TP tuy chưa đạt tiêu chuẩn về nghĩa trang nhưng tỉnh Bình Dương đã đầu tư công viên nghĩa trang quy mô 200ha, cách Thủ Dầu Một 25km, đủ phục vụ cho TP và các đô thị xung quanh.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao vai trò, vị trí của thành phố Thủ Dầu Một trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ.

Thứ trưởng nhấn mạnh: TP Thủ Dầu Một có vai trò là động lực phát triển phía Bắc TP HCM, là một trọng điểm trong tam giác tăng trưởng TP HCM - TP Thủ Dầu Một - TP Vũng Tàu, đồng thời là mô hình phát triển đô thị tiêu biểu của cả nước theo tiêu chí hiện đại, văn minh.

Trước chia sẻ của Phó Chủ tịch Trần Thanh Liêm liên quan đến vấn đề xử lý rác, chưa đạt chuẩn về nghĩa trang, Thứ trưởng cho rằng với quy mô công viên nghĩa trang và khu liên hợp xử lý chất thải rắn đã được Bình Dương đầu tư cách TP 25km, Thủ Dầu Một không nhất thiết phải bố trí thêm khu xử lý rác cũng như nghĩa trang ngay trong đô thị để bảo đảm hiệu quả quản lý đô thị, bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng cũng đánh gia cao tỉnh Bình Dương trong việc ưu tiên, đầu tư phát triển đô thị Thủ Dầu Một. Điều này thể hiện rất rõ trong tổng mức đầu tư cho TP, khi mà ngân sách còn có hạn.

Để TP Thủ Dầu Một phát triển hơn nữa, phù hợp với vai trò, tính chất của đô thị loại I trực thuộc tỉnh, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cần quan tâm nhiều hơn đến công tác chỉnh trang đô thị, chú trọng phát triển cây xanh, phát triển hạ tầng, xây dựng kế hoạch giữ gìn, phát huy giá trị kiến trúc công trình văn hóa, lịch sử trên địa bàn…

Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng đã bỏ phiếu đánh giá nhất trí công nhận TP Thủ Dầu Một đạt chuẩn đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Bình Dương. 

Theo baoxaydung