Thông tuyến cầu đường sắt Bình Lợi mới qua sông Sài Gòn
(BDO)
Chuyến tàu đầu tiên đã được chạy thử qua cầu Bình Lợi mới (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Chiều ngày, 14/9, tuyến cầu đường sắt Bình Lợi mới bắc qua sông Sài Gòn (nối quận Bình Thạnh và Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) đã chính thức đấu nối với đường sắt Bắc–Nam và chạy thử tàu qua cầu mới. Sau khi chạy thử an toàn, cầu Bình Lợi mới cũng chính thức thông tuyến cho tàu khách đi qua trong chiều cùng ngày.
Cầu đường sắt Bình Lợi mới thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó cầu đường sắt Bình Lợi mới có vốn đầu từ khoảng 470 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 1,3 km, thiết kế theo quy mô cầu vĩnh cửu bằng vật liệu thép tương ứng khổ 1.435mm. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, cầu được đặt ray khổ 1.000mm. Cầu có quy mô 14 nhịp, trong đó nhịp thông thuyền dài 101m, độ tĩnh không 7m.
Theo Ban Quản lý dự án 7, Bộ Giao thông Vận tải, dự án được triển khai trong điều kiện tương đối phức tạp, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông tuyến đường sắt Bắc–Nam đang vận hành khai thác. Cầu mới khi đưa vào sử dụng giúp nâng cao an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là giao thông đường thủy khi qua cầu đường sắt Bình Lợi.
Do độ tĩnh không đường thủy qua cầu cũ chỉ là 1,5m cho tàu nhỏ đi qua nên khu vực này thường xuyên ách tắc khi nước cao, xảy ra nhiều vụ tàu va chạm vào cầu. Trong khi đó, với tĩnh không là 7m, cầu đường sắt Bình Lợi mới đảm bảo cho tàu 1.000 tấn qua cầu an toàn, đồng thời cầu mới sẽ nâng cao việc kết nối giao thông đường thủy giữa tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, đầu tháng 8/2019, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ. Cầu được xây dựng từ năm 1990 và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 1902. Đây là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh và của ngành đường sắt Việt Nam./.
Theo TTXVN