Thông tư 39/2016/TT-NHNN ban hành là cần thiết

Thứ năm, ngày 23/02/2017

(BDO) Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành và có hiệu lực từ ngày 15-3-2017 (gọi tắt Thông tư 39) có một số điểm mới, trong đó thông tin các đối tượng không phải là pháp nhân (hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn. Xung quanh về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đối với ông Bùi Văn Nu, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương.

Xin ông cho biết cụ thể hơn vì sao NHNN ban hành quy chuẩn này?

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 39 là quy định về đối tượng khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2017, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Để thực hiện quy định mới này của Bộ luật Dân sự, tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho hoạt động cho vay của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, Thông tư 39 quy định đối tượng khách hàng  vay  vốn  tại  TCTD  là pháp nhân, cá nhân. Như vậy, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn  tại TCTD. Trường  hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, khách hàng vay là cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân.

Như  vậy,  những  hộ  gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân... sẽ thực hiện vay vốn dựa vào chính cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân. Việc điều chỉnh này là cần thiết để hoạt động tín dụng ngân hàng tuân thủ theo quy định pháp luật, đồng thời hạn chế rủi ro khi có tranh chấp xảy ra các hợp đồng vay vốn này không bị cơ quan tòa án tuyên vô hiệu.

Như vậy, để vay vốn các hộ kinh doanh cần có điều kiện gì, thưa ông?

Về điều kiện vay vốn, so với Quyết định 1627, Thông tư 39 về cơ bản kế thừa quy định về điều kiện vay và có hai thay đổi: Bỏ điều kiện quy định về tài sản bảo đảm tiền vay và bổ sung thêm đối tượng cá nhân được vay vốn là cá nhân từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật .

Theo  đó,  hộ  gia  đình,  tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp  tư  nhân  vay  vốn  khi cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39. Cụ thể, cá nhân đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi nhân sự, từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật; có nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp; có phương án sử dụng vốn khả thi; có khả năng tài chính để trả nợ.

Với quy định này, người vay không được vay với lãi suất dành cho hộ gia đình mà chỉ có thể vay với tư cách cá nhân. Liệu rằng điều này cũng có nghĩa cá nhân phải đi vay với lãi suất cao hơn so với trước đây? Còn với trường hợp mới khởi nghiệp thì sẽ vay như thế nào, thưa ông?

Thông tư 39 ban hành sẽ làm thay đổi căn bản hoạt động cho vay tại các TCTD, cơ cấu đối tượng vay vốn tại các TCTD sẽ được điều chỉnh phù hợp theo quy định của thông tư này. Vì vậy, các chính sách tín dụng áp dụng cũng sẽ thay đổi với các đối tượng này khi vay vốn như lãi suất, tài sản bảo đảm tiền vay. Tôi nghĩ, về cơ bản các chính sách tín dụng đối với đối tượng này sẽ  không có sự thay đổi nhiều, vì hộ kinh doanh lâu nay vẫn là đối tượng nhắm tới của các ngân hàng, nên chắc chắn đối tượng này vẫn sẽ được tiếp tục hưởng mức lãi suất vay ưu đãi như hiện nay trong thời gian tới. Lãi suất cho vay của các TCTD sẽ được áp dụng căn cứ vào mục đích, đối tượng vay, thời hạn vay (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) và nguồn vốn các TCTD (chi phí đầu vào).

Thông tư 39 mới ban hành nên hiện tại các ngân hàng đang trong quá trình nghiên cứu để áp dụng. Các TCTD căn cứ vào quy định thông tư này sẽ xây dựng quy định nội bộ về hoạt động cho vay đối với khách hàng tại TCTD mình, trên cơ sở các sản phẩm, chính sách tín dụng ban hành phù hợp với đối tượng vay này. Vì vậy, tôi nghĩ các hộ kinh doanh, các trường hợp mới khởi nghiệp không nên quá lo lắng về vấn đề này.

Với người kinh doanh, ngoài vốn tự có họ phải vay vốn  ngân  hàng.  Nếu  ngân hàng không cho vay hoặc vay với lãi suất cao theo tinh thần của Thông tư 39 thì họ đang lo sẽ khó khăn hơn trước. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Qua thực tế cho thấy, hiện các TCTD trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn rất dồi dào. Vì vậy, để bảo đảm TCTD của mình hoạt  động  hiệu  quả,  cân  đối được nguồn vốn và sử dụng vốn, các TCTD sẽ chủ động tiếp cận khách hàng và có chính sách lãi suất tiền vay phù hợp để khách hàng tiếp cận vốn vay. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều TCTD nên sẽ có sự cạnh tranh về lãi suất cho vay và cung cách phục  vụ  khách  hàng;  khách hàng có thể lựa chọn ngân hàng phục vụ mình tốt nhất.

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bảo Việt Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

Tại Bình Dương, tỷ lệ cho vay đối với nhóm đối tượng hộ kinh doanh, cá thể như thế nào, thưa ông?

Hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có xu hướng chuyển dịch cơ cấu tín dụng sang bán lẻ, tập trung chủ yếu cho vay khối khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất, kinh doanh, cá nhân vay sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng phục vụ đời sống. Vì vậy dư nợ đối với nhóm đối tượng này hiện chiếm từ 20 - 30% trong tổng dư nợ cho vay. Trong thời gian tới, tỷ lệ này có thể được điều chỉnh tăng thêm. Hiện các TCTD trên địa bàn tỉnh đã ban hành nhiều gói sản phẩm riêng theo từng nhu cầu vay vốn để khách hàng dễ tiếp cận, chủ động phối hợp với nhà cung cấp để hỗ trợ tín dụng cho khách hàng có nhu cầu, đồng thời đơn giản hóa thủ tục giấy tờ và thường có chính sách ưu đãi về lãi suất trong những năm đầu vay vốn. 

Tại hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai Thông tư 39/2016/TT-NHNN và Thông tư 43/TT-NHNN do NHNN tổ chức vừa qua, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, đã yêu cầu đối với các TCTD, từ nay đến ngày 15-3, ngày thông tư có hiệu lực thi hành, các TCTD phải quán triệt toàn hệ thống của TCTD mình nội dung của hai thông tư này, để từ lãnh đạo đến các cán bộ tham gia trực tiếp vào hoạt động cho vay cũng như các mảng nghiệp vụ liên quan khác đều quán triệt, thống nhất các điểm trong nội dung thông tư. Từ đó, tổ chức hướng dẫn cụ thể cho các khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân nhằm bảo đảm việc cho vay được thông suốt, không để vướng mắc mà ngân hàng không xử lý ngay. Lãnh đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cần quán triệt cho toàn thể cán bộ, lãnh đạo, đặc biệt là các cán bộ thanh tra của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, bởi đây là hoạt động chủ yếu của các TCTD đòi hỏi công tác thanh tra, kiểm tra và việc thực hiện chức năng về quản lý nhà nước trên địa bàn… K.T

Thiết  nghĩ,  Bình  Dương hiện có nhiều khu, cụm công nghiệp, vì vậy đối tượng khách hàng nói trên rất lớn và là đối tượng  mà  các  TCTD  đang nhắm  đến  trong  hoạt  động cho vay. Chính vì thế, việc tập trung phát triển tín dụng cho các đối tượng này trong thời gian tới sẽ tăng cao và dư nợ này sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng trên địa bàn.

Xin cảm ơn ông!

THANH HỒNG (thực hiện)