Thông tin - Truyền thông Bình Dương và những thành tựu nổi bật – Bài cuối
(BDO) Bài cuối: Đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh
Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) với chức năng là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về các lĩnh vực TT-TT đã có những bước lớn mạnh không ngừng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Thành tích đó được tạo nên nhờ sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên môn và hoạt động ngày càng đi vào chất lượng, hiệu quả của tất cả các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành TT-TT trên địa bàn tỉnh.
Ngày truyền thống đầu tiên
Ngày 19-2-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 258/QĐ-TTg lấy ngày 28-8 hàng năm là Ngày Truyền thống Ngành TT-TT. Đây là năm đầu tiên toàn ngành TT-TT tổ chức ngày truyền thống.
Nhắc lại lịch sử hình thành ngành TT-TT, ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở TT-TT Bình Dương cho biết, vào ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với 12 bộ, trong đó có Bộ Thông tin và Tuyên truyền. Riêng Bình Dương, hoạt động trong ngành TT-TT những năm sau 1945 đã hình thành Nhà in Thủ Dầu Một, Báo Sông Bé nay là Báo Bình Dương. Sau đó là sự ra đời của Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé. Từ trong kháng chiến đến thời bình, hoạt động của Báo Bình Dương, Đài Phát thanh -Truyền hình đã góp phần định hướng tuyên truyền chủ trương, chính sách đến nhân dân; đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, đa dạng của nhân dân, nâng cao vị thế và hình ảnh của một Bình Dương đầy năng động và sáng tạo.
Ông Lai Xuân Thành (bìa trái), Giám đốc Sở TT-TT tặng giấy khen cho các Đài Truyền thanh huyện, thị vì có thành tích xuất sắc năm 2015. Ảnh: T.LÝ
Song song đó, lĩnh vực in ấn, bưu chính - viễn thông cũng vượt qua nhiều khó khăn để hoạt động hiệu quả, hoàn thành các nhiệm vụ, chức năng được giao và có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Đến ngày 21-6-2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 66/2004/QĐ-UB thành lập Sở Bưu chính - Viễn thông Bình Dương và sở chính thức đi vào hoạt động từ năm 2006. Đến năm 2008, thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 20-3-2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 738/QĐ-UBND thành lập Sở TT-TT, trên cơ sở Sở Bưu chính - Viễn thông và tiếp nhận tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa - Thông tin cũ. Năm 2011 được bổ sung nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại. Năm 2013 được bổ sung nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thông tin cơ sở, an toàn an ninh thông tin.
Nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của ngành đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, ảnh hưởng đến tư tưởng, chính trị, an ninh và ổn định xã hội; những lĩnh vực dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao, ngành TT-TT đã tập trung đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Phát triển vững mạnh
Cùng với cả nước, ngành TT-TT Bình Dương đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, rút ngắn khoảng cách thụ hưởng thông tin giữa các vùng, miền, “giảm nghèo” thông tin cho mọi tầng lớp nhân dân.
Về hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh được thực hiện thống nhất, đồng bộ và hiệu quả với sự chỉ đạo và phối hợp sâu sát, chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các cơ quan báo, đài và hệ thống truyền thông đại chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng đạt hiệu quả tuyên truyền cao, góp phần định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Công tác thông tin đối ngoại có vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Bình Dương nói riêng và Việt
Hoạt động xuất bản, in và phát hành ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong xã hội. Trên địa bàn tỉnh, hiện có 570 đơn vị in ấn với các loại hình. Trong đó, có 252 DN in bao bì; 18 cơ sở, DN in xuất bản phẩm, báo chí, tem chống giả. Hoạt động phát hành cũng phát triển khá sôi động với hơn 120 cửa hàng, nhà sách, hiệu sách, siêu thị sách; trong đó có 21 nhà sách, siêu thị sách do các đơn vị ngoài tỉnh đến mở chi nhánh hoạt động.
Lĩnh vực bưu chính, viễn thông tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phân định rõ kinh doanh và nghĩa vụ công ích. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tuân thủ quy định về đầu tư phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ internet, thuê bao di động trả trước và sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện; hỗ trợ cho các đài truyền thanh hoạt động đúng tần số đã được cấp phép. Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn, mỹ quan đô thị và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông đáp ứng các tiêu chí của một đô thị hiện đại; chỉnh trang, bó gọn hệ thống cáp viễn thông treo, bó gọn các tuyến cáp.
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đạt những kết quả đáng ghi nhận. Bình Dương là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của địa phương. Đến nay, 100% cơ quan triển khai và sử dụng phần mềm quản lý văn bản với 81% công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử; 100% cơ quan triển khai và sử dụng phần mềm một cửa điện tử; 85% cơ quan có website cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2...
Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực thanh, kiểm tra được tổ chức bài bản, đúng quy định và hoạt động có hiệu quả; phát huy tốt vai trò thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Công tác cải cách và hiện đại hóa hành chính thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT trong công tác quản lý điều hành góp phần phục vụ tốt cho người dân và DN.
Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ của ngành TT-TT rất nặng nề, đòi hỏi tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của ngành quyết tâm nỗ lực, tăng cường đoàn kết nhất trí, bám sát chiến lược phát triển TT-TT, hướng tới phục vụ mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh Bình Dương trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020 và xây dựng Bình Dương thành thành phố thông minh trong tương lai
* Ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết: Đây là lần đầu tiên toàn ngành TT&TT có một ngày truyền thống riêng, khẳng định sự trưởng thành, phát triển và hội nhập sâu rộng của ngành trong suốt thời gian qua. Qua sự kiện này, chúng ta cũng ôn lại những kỷ niệm của ngành TT&TT, tri ân những thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên ngành TT&TT trong suốt thời gian qua. Trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành phát huy truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình”. Và để làm được việc đó toàn ngành phải phát huy tinh thần “Đoàn kết, Trí tuệ, Đổi mới, Hội nhập và Phát triển” để xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh và xây dựng một đất nước Việt Nam trở thành một nước cường thịnh, trong đó lấy CNTT làm nền tảng để phát triển đất nước, đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT, xứng đáng với vai trò và vị trí của Việt Nam trong thời đại hiện nay.
* Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở TT-TT Bình Dương cho biết, những thành tựu ngành TT-TT Bình Dương đã đạt được là kết quả của sự kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành bưu chính, viễn thông, văn hóa, thông tin và công nghệ thông tin với phương châm “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình”, thi đua lao động sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp TT-TT trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
T.LÝ