Thông tin tiếp theo vụ nước cuốn trôi người và xe bán tải: Nạo vét suối Siệp để khơi thông dòng chảy
Sau vụ tai nạn nước cuốn trôi làm chết một người phụ nữ và xe bán tải ở suối Siệp, ngành chức năng TP.Dĩ An đang tiến hành nạo vét suối để khơi thông dòng chảy, hạn chế tình trạng ngập nước cục bộ và phòng ngừa tai nạn tương tự có thể xảy ra.
Lực lượng chức năng TP.Dĩ An tiến hành nạo vét suối Siệp, khơi thông dòng chảy, hạn chế ngập nước cục bộ tại khu vực giáp ranh với TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Theo ghi nhận của P.V Báo Bình Dương, sau vụ tai nạn, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa vụ việc tương tự. Theo đó, mới đây, chính quyền phường Hóa An, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã lắp barie tại khu vực giáp ranh với phường Tân Đông Hiệp nhằm ngăn người dân đi qua cống thoát nước suối Siệp vào thời điểm nước dâng cao, chảy xiết. Ở bên phía TP.Dĩ An, chính quyền địa phương cũng đã lắp nhiều biển cảnh báo nguy hiểm dọc theo tuyến đường ven suối Siệp ra Quốc lộ 1K để cảnh báo người dân không đi vào khu vực này khi có mưa lớn, nước suối dâng cao, chảy xiết.
Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, ông Võ Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết địa phương đã vận động doanh nghiệp thuê phương tiện nạo vét suối Siệp, đoạn từ nơi xảy ra vụ tai nạn nước cuốn trôi người phụ nữ và xe bán tải đến phường Bình An để khơi thông dòng chảy. Sau khi nạo vét suối Siệp sẽ góp phần hạn chế ngập nước cục bộ tại khu vực giáp ranh giữa TP.Dĩ An và phường Hóa An, nhất là tại Quốc lộ 1K.
Theo tìm hiểu của P.V, suối Siệp dài chừng 20km, bắt nguồn từ núi đá nhỏ ở TP.Dĩ An chảy ra sông Đồng Nai, là một trong những tuyến thoát nước đô thị chính ở TP.Dĩ An và TP.Biên Hòa. Dọc suối có đường rộng hơn 5m, là ranh giới giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, khoảng 200 hộ dân sinh sống. Vài năm qua khi đô thị phát triển mạnh ở hai tỉnh, lòng suối bị thu hẹp, nước chảy xiết, gây ngập mỗi khi mưa lớn. Vị trí này lại bị thắt cổ chai nên mỗi khi mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về lòng suối nhỏ hẹp, gây ngập khoảng 300m từ đường suối Siệp ra Quốc lộ 1K, gây ách tắc giao thông. Từ năm 2021, Bình Dương triển khai dự án rạch Cái Cầu, giai đoạn 1 qua phường Tân Đông Hiệp đã hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay phía Đồng Nai vẫn chưa giải tỏa đền bù được cho các hộ dân nên dự án rạch Cái Cầu vẫn chưa thực hiện, khiến nước dâng cao gây ngập khu dân cư. Vì vậy, việc hoàn thành dự án rạch Cái Cầu sẽ khơi thông dòng chảy phía hạ nguồn suối Siệp, từ đó giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước do mưa lớn tại khu vực trên.
Theo ông Võ Trọng Tài, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án rạch Cái Cầu bên phía TP.Dĩ An cơ bản hoàn thành và chỉ còn một vài hộ dân chưa chấp thuận. Hiện ngành chức năng TP.Dĩ An đang tiếp tục tuyên truyền, vận động những hộ dân còn lại sớm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án rạch Cái Cầu. Trong khi đó, tiến độ giải phóng mặt bằng bên phía Đồng Nai còn chậm so với kế hoạch. Do đó, UBND TP.Dĩ An kiến nghị ngành chức năng TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cần nhanh chóng phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thành dự án rạch Cái Cầu (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư) nhằm giải quyết tình trạng ngập nước cục bộ tại khu vực giáp ranh giữa hai địa phương, bảo đảm an toàn cho người dân.
NGUYỄN HẬU