Thông tin tiếp theo loạt bài “Mãi lộ” về đêm: Ngành chức năng nói gì?

Thứ hai, ngày 29/12/2014

Trước nghi vấn một số thành viên trong tổ BVDP, KP.6, phường Bình Chiểu, Q. Thủ Đức có hành vi “mãi lộ” về đêm khiến người dân, đặc biệt là các tiểu thương bức xúc. Câu hỏi được đặt ra là chính quyền địa phương có biết sự việc? Sai phạm của lực lượng BVDP đến đâu? Chúng tôi đã gặp đại diện các cơ quan chức năng để tìm lời đáp và được Trung tá Nguyễn Ngọc Nam, Phó Trưởng Công an Q.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết:

- Ngày 19-2-2013, UBND TP.Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 08/2013/QĐ- UBND về việc cấm và hạn chế xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh lưu thông trong khu vực nội đô và trên một số tuyến đường thuộc địa bàn thành phố. Theo quyết định này thì tất cả các loại xe ba bánh tự chế không có đăng ký và xe thô sơ 3, 4 bánh không có đăng ký đều bị cấm lưu thông; riêng đối với các loại xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh có đăng ký chỉ được lưu thông giới hạn tại các tuyến đường và thời gian cho phép.

(BDO)

Nhiều xe lôi, xe ba gác đi lấy hàng ban đêm trở thành nạn nhân của hành vi “mãi lộ” về đêm. Trong ảnh: Một tiểu thương đi lấy hàng bông bằng xe lôi ở chợ Đầu Mối, Q.Thủ Đức, TP.HCM

Từ khi Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND được ban hành, đơn vị đã chủ động tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp còn sử dụng xe 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh tự chế không có đăng ký. Đối với các trường hợp này, khi xử lý căn cứ vào Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với hình thức phạt tiền và tịch thu phương tiện. Riêng đối với các loại xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh có đăng ký, nếu vi phạm vẫn bị xử lý theo mức độ lỗi vi phạm và đều căn cứ vào Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Luật Xử phạt vi phạm hành chính.

- Văn bản quy định là như vậy nhưng thực tế vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều người sử dụng xe lôi, xe ba gác lưu thông trên đường. Vấn đề này tại địa bàn Q.Thủ Đức, một địa bàn giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh như thế nào?

- Do đặc thù địa bàn quận Thủ Đức có chợ đầu mối nông sản chuyên phân phối thực phẩm cho các chợ lớn, nhỏ quanh khu vực và đặc biệt là cung cấp cho các chợ bán cho công nhân làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn quận. Do vậy, nhu cầu sử dụng xe lôi, xe ba gác để vận chuyển hàng của người dân, đặc biệt là của người nghèo vẫn tồn tại. Mặc dù UBND thành phố đã có chính sách hỗ trợ tiền để chuyển đổi nghề, có chính sách hỗ trợ vay vốn để mua xe mới nhưng một số ít người dân vì hoàn cảnh khó khăn vẫn tiếp tục sử dụng xe ba gác làm phương tiện kiếm sống. Nói về vấn đề xử lý xe lôi, xe ba gác, nếu đứng ở góc độ về lý phải xử lý nghiêm túc, triệt để. Công tác xử lý xe lôi tự chế, xe ba gác của Công an quận Thủ Đức đã và đang được thực hiện tích cực. Năm 2014 đã xử lý và tịch thu hơn 30 chiếc xe lôi tự chế, xe ba gác không có giấy đăng ký. Đơn vị đã có sự chủ động xử lý, kết hợp với tuyên truyền, khuyến khích người dân nhanh chóng chuyển đổi nghề nhằm tạo được hiệu quả thiết thực từ chính sự đồng thuận, chấp hành pháp luật của người dân mà không gây áp lực khó khăn dẫn đến phản ứng gay gắt của họ.

- Gần đây xuất hiện tình trạng nhiều tiểu thương Bình Dương sử dụng xe lôi, xe ba gác đi lấy hàng ở chợ đầu mối và bị chặn xe tại một số tuyến đường trên địa bàn quận Thủ Đức. Đi kèm với việc chặn xe là vấn đề “mãi lộ” lúc về đêm. Ở góc độ cơ quan chức năng, ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?

- Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã có Ban Quản lý chợ chịu trách nhiệm quản lý khu vực đường nội bộ nên Công an quận Thủ Đức không bố trí lực lượng CSGT làm nhiệm vụ xử lý vi phạm tại khu vực này. Công an chỉ bố trí lực lượng làm công tác tuần tra, kiểm soát phòng chống tội phạm và ngăn ngừa tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng trên các tuyến đường lân cận như Ngô Chí Quốc và Tỉnh lộ 43. Trục đường chính để ra, vào chợ đầu mối là tuyến QL.1A do Đội CSGT Bình Triệu thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP quản lý. Do vậy việc tiểu thương Bình Dương sử dụng xe lôi, xe ba gác đi lấy hàng ở chợ đầu mối và bị chặn xe tại một số tuyến đường trên địa bàn quận Thủ Đức đơn vị sẽ rà soát, xác định tuyến địa bàn cụ thể để làm rõ sự phản ánh nêu trên.

Ngoài lực lượng CSGT có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm nói chung và xe lôi, xe ba gác nói riêng còn có các lực lượng khác như: Cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội… trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng có thẩm quyền xử lý theo Nghị định 171/2013/NĐ- CP. Lực lượng rất nhiều nhưng phân công phân định nhiệm vụ rõ ràng.

Lực lượng bảo vệ dân phố chỉ có chức năng phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an phường trong công tác tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông chứ không có chức năng trực tiếp chặn và bắt xe như phản ánh. Chính quyền quận, chính quyền TP.HCM không có chủ trương nào cho phép lực lượng trên độc lập trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Ở góc độ phường càng không thể có những văn bản quy định việc cấm xe lôi, xe ba gác như các tiểu thương phản ánh. Mặt khác, không phải tuyến đường nào cũng cấm xe lôi, ba gác lưu thông. Việc một số đối tượng thuộc lực lượng bảo vệ dân phố tự ý chặn và thu tiền lúc về đêm tại một số tuyến đường không quy định cấm xe lôi, ba gác lưu thông càng sai quy định cũng như quy trình tổ chức hoạt động. Sau khi nhận thông tin phản ánh của báo Bình Dương, chúng tôi sẽ rà soát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

Ông Trần Bá Luận, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Bình Dương:

 Từ ngày 29-6-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó có quy định về việc đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh.

Ngày 30-9-2008, Thủ Tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện quản lý xe công nông, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh theo quy định tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 và Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 4-2- 2008 của Chính phủ; đồng thời ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg về việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi để thay thế xe công nông; xe lôi máy; xe cơ giới 3 bánh; xe thô sơ 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông đường bộ.

Sau đó, Sở Giao thông - Vận tải Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn số 81/UBND-SX có nội dung: “Đối với xe cơ giới 2 bánh kéo theo thùng hàng để chở người, hàng hóa còn gọi là xe lôi máy hiện còn tồn tại trên địa bàn tỉnh chỉ được tạm thời hoạt động đến hết ngày 30-6-2009. Sau ngày 30-6-2009 tất cả các xe này điều phải chấm dứt hoạt động tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng Thanh tra Giao thông vận tải kiểm tra, kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm xử lý theo quy định hiện hành”. Tiếp đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về kế hoạch hỗ trợ vốn thay thế và hỗ trợ vốn vay ưu đãi để thay thế xe công nông; xe lôi máy; xe cơ giới 3 bánh; xe thô sơ 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ngày 10-10-2011, UBND tỉnh Bình Dương có thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp nghe báo cáo kết luận thực hiện việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 - 4 bánh thuộc diện đình chỉ giao thông. Thông báo có nêu ý kiến chỉ đạo: “Công an tỉnh phối hợp Sở Giao thông - Vận tải kiểm tra, xử lý, tịch thu những phương tiện thô sơ thuộc diện bị đình chỉ mà vẫn tham gia giao thông để bán phế liệu và sung vào công quỹ, nhất là các huyện, thị xã phía nam của tỉnh và trên các trục đường lớn”.

NHÓM P.V