Thông tin tiếp theo bài “Bát nháo dịch vụ du lịch tự phát”: Công trình “khủng” bên bờ hồ
(BDO) Bất chấp lệnh cấm, người dân tự ý đưa xe cơ giới đến múc đất chở đi san lấp, nâng nền, xây dựng công trình trên đất vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng để mở khu du lịch (KDL). Khi cán bộ chức năng yêu cầu người vi phạm trả lại hiện trạng ban đầu thì đương sự chỉ khắc phục theo kiểu “làm cho có”!
Công trình vi phạm của ông Huỳnh Văn Thanh nhìn từ trên cao
“Công trường” trái phép
Ngày 16-9, Báo Bình Dương có thông tin phản ánh việc bát nháo dịch vụ du lịch tự phát trên bờ hồ Dầu Tiếng, địa phận huyện Dầu Tiếng, ẩn chứa nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau đó P.V tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về việc trên địa bàn xã Minh Hòa và xã Định An (huyện Dầu Tiếng) tồn tại nhiều KDL tự phát trên phần đất vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng có quy mô lớn. Để rõ thêm thông tin, P.V đã mục sở thị qua hai xã vừa đề cập để ghi nhận.
Sau cơn mưa chiều, khó khăn lắm chúng tôi mới vượt qua con đường đất đỏ lầy lội dài hơn 1km, thuộc ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa dẫn vào KDL tự phát của ông Huỳnh Văn Thanh (quê Đồng Tháp). Hiện ra trước mắt chúng tôi lúc này là đại công trường đang dần thành hình một KDL. Hai bên đường trong KDL tự phát, ông Thanh đã trồng nhiều cây cảnh, phân thành nhiều khu trên bán đảo nhô ra mặt hồ Dầu Tiếng.
Để nâng mặt bằng, vào khoảng tháng 4 năm nay, ông Thanh cho xe múc đào bới lấy đi một khối lượng đất lớn trong bờ đem ra đổ trên bán đảo. Hầm đất trái phép này rộng hàng trăm m2, có độ sâu hơn 10m. Qua quan sát tại đây, đất đỏ trên mặt đường khu vực này còn in đậm dấu lốp xe tải chở đất trên công trường.
Theo tìm hiểu của P.V, trước đây ông Huỳnh Văn Thanh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 366.944m2, trong đó có 146.088m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình hồ Dầu Tiếng. Vị trí đất bán ngập bờ hồ Dầu Tiếng của ông Thanh thuộc mốc số 158 và 160 cao trình + 24.40m, ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa. Với mục đích mở KDL này, ông Thanh san lấp, cải tạo diện tích 29.986m2 đất vùng bán ngập của hồ Dầu Tiếng. Tương tự, cạnh đó là thửa đất của ông Huỳnh Tấn Đạt cũng bị đào bới, chở đất đi san lấp. Được biết ông Huỳnh Tấn Đạt sở hữu lô đất có diện tích 8.176m2, trong đó có 2.334m2 đất thuộc thành lang bảo vệ công trình hồ Dầu Tiếng. Theo số liệu đo đạc của đơn vị chức năng huyện Dầu Tiếng, thời gian qua ông Đạt đã san lấp, cải tạo mặt bằng 511m2 đất vùng bán ngập tại vị trí mốc số 162 cao trình + 24,40m thuộc ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa.
Tương tự, ông Trần Hữu Chinh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 101.074m2 tại ấp Hòa Thành, xã Minh Hòa, trong đó có 55.648m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình hồ Dầu Tiếng. Vị trí đất của ông Chinh thuộc mốc số 163 và 164, cao trình + 24,40m bờ hồ Dầu Tiếng. Qua công tác kiểm tra của lực lượng chức năng, vừa qua ông Chinh đã san lấp, lấn chiếm đất vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng có chiều ngang 30m, dài 40m với tổng diện tích bị lấn chiếm là 1.200m2 để làm KDL.
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Như đã thông tin, trong nhiều tháng trở lại đây, tại diện tích đất vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng ở các xã Định An, Định Thành và Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) xuất hiện tình trạng người dân mở KDL tự phát. Qua quan sát của P.V trong những ngày gần đây, dọc theo lòng hồ Dầu Tiếng đối với 3 xã vừa đề cập, ngoài việc người dân dựng lều cho khách du lịch thuê, nhiều người còn làm quán nhậu, nhà hàng ngay trên mặt hồ để kinh doanh; một số người dân tổ chức đua ca nô trên mặt hồ. Việc làm này đã tác động đến an toàn hồ Dầu Tiếng.
Với trách nhiệm là đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, thời gian qua, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (gọi tắt là Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa) đã gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý tình hình trên. Nói về vấn này, ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết đơn vị này không có thẩm quyền xử lý hoặc chế tài đối với những trường hợp người dân lấn chiếm trái phép đất vùng bán ngập bờ hồ Dầu Tiếng. Qua công tác tuần tra, nắm tình hình trên hồ Dầu Tiếng, từ đầu năm đến nay phía Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cũng đã có nhiều báo cáo gửi UBND và Công an huyện Dầu Tiếng nhờ can thiệp. Để giải quyết tình trạng này, các sở, ngành liên quan của tỉnh và huyện Dầu Tiếng đã phối hợp với Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa kiểm tra thực tế, lập biên bản nhiều trường hợp người dân lấn chiếm đất vùng bán ngập bờ hồ Dầu Tiếng để mở KDL tự phát.
Trao đổi với P.V, ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết thêm: “Đơn vị mong muốn chính quyền các cấp cần quan tâm đúng mức trong việc xử lý các trường hợp tự ý đào đất lấp suối trong lòng hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận huyện Dầu Tiếng. Việc người dân “xóa sổ” nhiều con suối trên hồ Dầu Tiếng sẽ ảnh hưởng đến công trình thủy lợi. Ngoài ra, trong những ngày gần đây, trên lòng hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận huyện Dầu Tiếng xuất hiện tình trạng người dân tự ý tổ chức đua ca nô trên mặt hồ. Nếu để sự việc này tiếp diễn, chúng tôi e ngại sẽ xảy ra đuối nước. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương cần quyết liệt vào cuộc xử lý các vấn đề liên quan”.
Trong khi đó qua trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết thời gian qua huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo các lực lượng như công an, Phòng Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các xã Minh Hòa, Định Thành và Định An tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, nếu phát hiện trường hợp nào lấn chiếm đất vùng bán ngập sẽ lập biên bản xử lý.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, đối với các hộ dân đã bị lập biên bản vi phạm trên lĩnh vực lấn chiếm đất vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng, hiện địa phương đang khẩn trương củng cố hồ sơ để xỷ lý đúng theo quy định. Song song đó, lãnh đạo huyện cũng đã chỉ đạo các xã liên quan thành lập Tổ công tác giám sát, theo dõi các trường hợp tự tháo dỡ công trình vi phạm, xây dựng trên đất vùng bán ngập.
► Ông Nguyễn Toàn Sang, Chủ tịch UBND xã Định Thành (huyện Dầu Tiếng), cho biết: “Trong vài tháng gần đây, nhiều du khách đến bờ hồ Dầu Tiếng, thuộc địa phận xã Định Thành tham quan du lịch là tín hiệu vui của địa phương. Tuy nhiên, để không xảy ra việc người dân tự ý thu tiền bãi của khách, lực lượng chức năng của địa phương tích cực vào cuộc kiểm tra, xử lý”. Theo ông Sang, đối với trường hợp ông Nguyễn Văn No thu tiền của khách khi vào cổng Công ty Vĩnh Thanh để được tham quan hồ Dầu Tiếng, chính quyền xã Định Thành đã đề nghị ông không được thu tiền. Đến nay, ông No đã nghiêm túc chấp hành đúng theo quy định của địa phương. Đối với bè tự chế, xuồng máy đưa rước khách du lịch tham quan trên mặt hồ Dầu Tiếng như báo phản ánh, vừa qua chính quyền xã Định Thành đã cho người dân ký cam kết ngưng hoạt động, nhiều người đã chấp hành nghiêm. “Qua khảo sát, tại khu vực Núi Cậu, ấp Tha La có 101 hộ dân. Để ổn định cuộc sống của người dân cũng như hạn chế việc người dân kinh doanh du lịch tự phát, vừa qua chính quyền xã Định Thành đã lập danh sách trình UBND huyện Dầu Tiếng. Theo đó, huyện sẽ rà soát, thống kê hộ nào thuộc vào diện bố trí tái định cư”, ông Nguyễn Toàn Sang, Chủ tịch UBND xã Định Thành thông tin thêm. |
THANH QUANG