Thông tin Khoa học lịch sử số 54: Nhiều thông tin lịch sử giá trị

Thứ bảy, ngày 04/05/2019

(BDO)  Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương vừa phát hành tập san Thông tin Khoa học lịch sử số 54 (4-2019) đúng vào dịp kỷ niệm 44 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2019).

Với sự tham gia cộng tác của nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh ở nhiều mảng đề tài khác nhau, tập san cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin nội dung lịch sử, văn hóa phong phú. Qua khai thác tài liệu của Frank Snepp (một phóng viên báo Time kiêm nhân viên tình báo Mỹ - CIA), bài viết “Tây nguyên (tháng 3-1975) - sự phán đoán sai lầm” của tác giả Nguyễn Thị Kim Ánh đã chia sẻ với bạn đọc những thông tin về yếu tố bímật, bất ngờ của chiến dịch Tây nguyên. Bài viết đi sâu phân tích sự đối đầu trên mặt trận tình báo giữa 2 bên lúc bấy giờ, góp phần làm rõ thêm về chiến dịch Tây nguyên, khẳng định tầm quan trọng của chiến dịch Tây nguyên đối với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Đây là tư liệu đáng tham khảo cho những nhà giáo khi giảng dạy về lịch sử Việt Nam. Khi tìm hiểu về chủ đề 30-4, bạn đọc không thể bỏ qua bài viết “Giáo dục giá trị lịch sử của đại thắng mùa xuân 1975 cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay” của tác giả Đặng Hoàng Sang. Bài viết cung cấp cho bạn đọc những giá trị lịch sử cơ bản và quan trọng mà thế hệ trẻ cần nắm vững.

Tập san còn có những bài viết đáng chú ý như: “Phong trào yêu nước ở làng võ Tân Khánh - Bà Trà (1936-1946)” của tác giả Hồ Tường; “Phan Văn Hùm - nhân sĩ lỗi lạc quê xứ Búng - Thuận An” của tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng; “Đồn điền cao su ở Tây Ninh thời thuộc Pháp” của tác giả Dương Văn Thêm; “Bước đầu tìm hiểu về chi phái Bửu Sơn Kỳ Hương Thường Lạc ở Tây Nam bộ” của Nguyễn Hiếu - Mai Thị Minh Thùy; “Góp phần làm rõ thêm về lịch sử đình thần Phú Long (Lái Thiêu - Thuận An) qua tư liệu Hán Nôm” của tác giả Nguyễn Quốc Duy; “Đôi nét về khảo cổ học Bình Dương” của tác giả Nguyễn Thị Lan...

Những nội dung bài viết trong tập san này là nguồn tư liệu đáng giá giúp bạn đọc có thêm những cái nhìn mới về một vấn đề lịch sử, văn hóa hay về một vùng đất, con người cụ thể phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu ngày càng tốt hơn.

CẨM LÝ