Thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước 2014

Thứ ba, ngày 12/11/2013

Sáng 12-11, với 87,95% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Cũng với tỷ lệ này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2013.

 Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 782.700 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.006.700 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, cơ cấu lại thu, chi ngân sách, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc; cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác, không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); Quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn.

Theo Nghị quyết về điều chỉnh Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2013, Quốc hội giao Chính phủ nâng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 để bù đắp số hụt thu ngân sách trung ương nhưng không quá 195.500 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP ước thực hiện). Tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát thực hiện triệt để tiết kiệm chi, cắt, giảm các khoản chi chưa cần thiết, không hiệu quả và cho phép các địa phương không đủ nguồn bù đắp hụt thu ngân sách được sử dụng không quá 70% Quỹ dự trữ tài chính để bù vào số hụt thu ngân sách năm 2013.

Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII.

Sau đó, Quốc hội bầu Ban kiểm phiếu do ông Nguyễn Quốc Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) làm Trưởng ban và tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân; Thông qua Nghị quyết về nội dung này.

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết về việc bổ sung số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XIII. Theo đó, số lượng cơ cấu Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XIII tăng lên 1 người thành tổng số 5 Phó Thủ tướng. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này với 87,75% đại biểu tán thành.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và Tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam.

Theo Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Đức Đam sinh năm 1963, là Tiến sỹ kinh tế. Ông Vũ Đức Đam là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã đảm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác tại Văn phòng Chính phủ. Ông từng là Trợ lý nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, từng giữ các chức vụ như Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và hiện là Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Vũ Đức Đam là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Khóa X, Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XI.

Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Trong quá trình công tác, ông Vũ Đức Đam luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công. Ông Vũ Đức Đam có đủ phẩm chất và năng lực để đảm đương nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đọc Tờ trình về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đối với ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ông Phạm Bình Minh sinh năm 1959 là cán bộ được đào tạo cơ bản, từng đảm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác ngoại giao. Ông từng giữ các chức vụ như Vụ trưởng Vụ Các tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đối thoại về nhân quyền với các nước, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao và hiện là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Phạm Bình Minh là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, trong quá trình công tác, ông Phạm Bình Minh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công. Ông Phạm Bình Minh có đủ phẩm chất, năng lực để đảm đương nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Cuối phiên làm việc sáng nay, Quốc hội thảo luận tại Đoàn về nội dung các Tờ trình trên của Thủ tướng Chính phủ. Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Theo TTXVN