Thống đốc: Không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát

2024-11-08 14:05:45

Thống đốc cho biết trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ cân nhắc can thiệp thị trường vào khi cần thiết.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có Báo cáo gửi tới đại biểu quốc hội liên quan đến một số vấn đề phục vụ phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trong đó Thống đốc nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Không loại trừ khả năng thao túng thị trường vàng

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng mạnh trong thời gian gần đây do căng thẳng địa chính trị, thương mại, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang.

Giá vàng trong nước biến động tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Từ đầu năm đến tháng 6, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, đặc biệt là đối với vàng miếng SJC.

Mức chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới có những thời điểm lên đến 18 triệu đồng/lượng (tháng Năm).

Tại thời điểm sáng 5/11, giá vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 87-89 triệu đồng/lượng, tăng 13,5 triệu đồng/lượng (khoảng 18%) so với đầu năm.

"Biến động giá vàng trong nước cơ bản phụ thuộc vào diễn biến của giá vàng thế giới và quan hệ cung-cầu trên thị trường," Thống đốc nêu.

Về phía cầu, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, cùng những khó khăn của các kênh đầu tư khác (bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp…) khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết qua theo dõi của các đơn vị trong hệ thống phản ánh nhu cầu mua vàng chủ yếu tập trung tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh… đã dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước (đặc biệt là vàng SJC) và thế giới.

Từ năm 2014 đến năm 2023, Ngân hàng Nhà nước không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Tuy nhiên, từ tháng Tư đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường vàng qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường, hạn chế tác động đến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối.

Cụ thể, từ ngày 19/4 đến 23/5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu 48.500 lượng (tương đương khoảng 1,82 tấn). Tuy nhiên, sau 9 phiên can thiệp theo phương thức đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá thế giới vẫn ở mức cao.

Để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang phương thức bán vàng miếng với khối lượng phù hợp. Ngân hàng Nhà nước lựa chọn 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và Công ty SJC.

Báo cáo cho thấy, từ ngày 3/6 đến 29/10, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 11,46 tấn vàng).

Trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước thông báo chủ trương thực hiện bán vàng miếng SJC trực tiếp, vàng miếng SJC trên thị trường trong nước được mua bán ở mức 89-92 triệu đồng/lượng, chênh lệch so với giá thế giới hơn 18 triệu đồng/lượng (khoảng 25%).

Theo Ngân hàng Nhà nước, kể từ khi chính thức thông báo thực hiện phương án bán vàng miếng trực tiếp, chênh lệch giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm, hiện chỉ còn chênh khoảng 3-5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (khoảng 5-7%).

Sẽ cân nhắc can thiệp thị trường vàng khi cần thiết

Theo Thống đốc, hiện đang có hai tồn tại, hạn chế trong quản lý thị trường vàng. Một trong hai tồn tại đó là, một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng 99,99% được sử dụng có tính chất như vàng miếng, không ngoại trừ nguồn nguyên liệu để sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu. Hiện tượng này dễ bị lợi dụng làm giảm hiệu quả quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng của Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Trước đó, thực hiện Nghị định 24, đối với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã sắp xếp lại một cách căn bản, đưa số lượng tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng xuống còn 16 doanh nghiệp và 22 tổ chức tín dụng.

Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, số doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là 6.681 doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ cần đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư, không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.

Theo Thống đốc, từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, các doanh nghiệp tự cân đối nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Ngoài hiện tượng vàng trang sức “lách” quy định vàng miếng, một tồn tại nữa của thị trường vàng, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là vẫn còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối; chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành VND để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Về định hướng quản lý thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường. Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội./.

Theo TTXVN

Báo Bình Dương