Thói quen hại gan thường gặp ở dân văn phòng

2024-03-13 14:27:41

Người làm việc văn phòng có thói quen ngồi nhiều, ít vận động, ăn uống không điều độ, thức khuya, dễ hại gan, tăng nguy cơ mắc bệnh.

Bác sĩ Huỳnh Văn Trung, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết các bệnh lý về gan không chỉ do uống nhiều rượu bia, virus, ký sinh trùng, thuốc... mà còn đến từ thói quen sinh hoạt và làm việc chưa khoa học. Một số thói quen dưới đây có thể khiến người làm việc văn phòng dễ mắc bệnh về gan.

Ngồi nhiều và lâu: Tính chất, đặc thù công việc của giới văn phòng là ngồi nhiều và lâu. Ngồi liên tục trong thời gian dài, ít vận động dễ gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể.

Bác sĩ Trung dẫn nghiên cứu của Trung Quốc, thực hiện trên 2.050 người vào năm 2016, cho thấy ngồi lâu trên 7 giờ mỗi ngày làm tăng tần suất bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khả năng cao dẫn đến béo phì, tăng men gan, tăng đề kháng insulin.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh gan, người làm việc văn phòng nên tăng thời gian thể dục thể chất, cùng với đó là giảm thời gian ngồi mỗi ngày. Nên đứng lên, đi lại, lấy nước hoặc đi vệ sinh, sau 1-2 giờ ngồi làm việc. Thay vì ngồi liên tục, người làm việc văn phòng có thể trao đổi công việc hoặc thiết kế các cuộc họp đứng nhằm giảm thời gian ngồi. Mỗi tuần nên dành 150 phút tập thể dục với cường độ vừa phải hoặc đi bộ 10.000 bước mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe.

Thức khuya: Khi ngủ, gan hoạt động năng suất để tập trung thải độc, loại bỏ chất thải. Từ 23h đến 1h là lúc gan làm nhiệm vụ thải độc, loại bỏ các chất cặn bã ra ngoài cơ thể. Từ 1h đến 3h, túi mật trong gan giúp cơ thể tiêu hóa chất béo, mỡ xấu, cholesterol trong thức ăn và trong máu.

Thức khuya làm thay đổi đồng hồ sinh học, tăng các phản ứng oxy hóa sản sinh ra nhiều chất trung gian độc hại, khiến quá trình thực hiện nhiệm vụ thải độc của gan gặp khó khăn, dẫn đến tổn thương tế bào gan.

Một nghiên cứu ở Hàn Quốc năm 2021 cho thấy thức khuya, ngủ không đủ giấc làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ ở gan, tăng tần suất bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Bác sĩ Trung khuyến cáo mọi người sắp xếp công việc, sinh hoạt, giấc ngủ và đi ngủ trước 23h, để có giấc ngủ sâu trong khoảng 23h-3h. Đây là thời gian nuôi dưỡng mạch máu trong gan, giúp gan khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả.

Nhịn ăn sáng liên tục: Gan đảm đương nhiều chức năng trong cơ thể, trong đó có chức năng khử độc, chuyển hóa chất độc hại thành chất không độc hoặc ít độc. Do đó, gan luôn cần cung cấp năng lượng để hoạt động.

Thói quen nhịn ăn kéo dài (nhất là nhịn ăn sáng) khiến gan không đủ năng lượng, giảm tần suất thanh lọc máu, làm tích tụ độc chất ở gan ngày càng nhiều. Nhịn ăn sáng kéo dài làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ ở gan, sinh ra bệnh gan nhiễm mỡ cũng như rối loạn chuyển hóa và tăng đề kháng insulin.

Tế bào gan tổn thương ảnh hưởng đến khả năng tiết mật để tiêu hóa chất béo gây thừa cân béo phì; lượng cholesterol thừa dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ...

Bác sĩ Trung khám cho bệnh nhân hồi tháng 9/2023.

Nhịn tiểu: Theo bác sĩ Trung, nhiều người làm văn phòng hay có thói quen nhịn tiểu để tập trung vào công việc, bận họp...

Một trong những vai trò của gan là đào thải nồng độ amoniac trong máu ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. Amoniac có độc tính, nếu giữ lâu trong cơ thể thấm vào tĩnh mạch thận, sau đó vào máu và trở lại gan. Lúc này, gan lại chịu thêm gánh nặng phải xử lý một lượng amoniac, ure và những chất độc hại trong nước tiểu.

Bác sĩ Trung lưu ý thức khuya, nhịn ăn hay nín tiểu là những thói quen xấu cần loại bỏ càng sớm càng tốt. Thói quen này sinh ra các độc tố khiến các tế bào gan phải làm việc liên tục nhằm khử độc chất. Quá trình này tạo ra các phản ứng oxy hóa sản sinh ra các chất trung gian độc hại, kích hoạt tế bào kupffer (đại thực bào nằm trong xoang gan có nhiệm vụ xử lý các vi khuẩn, hồng cầu già chết... tạo phản ứng miễn dịch) phóng thích quá nhiều các chất gây viêm như TNF-α, TGF-β và interleukin... Các chất này hủy hoại các tế bào gan và làm suy giảm chức năng của gan, gây ra các bệnh lý về gan.

Theo VNE

Báo Bình Dương