“Thổi hồn” sản phẩm trang trí nội thất bằng vỏ trứng

Thứ tư, ngày 18/04/2012

Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển, vùng đất Bình Dương xưa vốn nổi tiếng bởi các làng nghề chuyên sản xuất (SX) những sản phẩm (SP) thủ công mỹ nghệ (TCMN) truyền thống. Trong đó, nghề làm tranh sơn mài được đánh giá cao bởi sự tỉ mỉ, khéo léo khi được khảm thêm vỏ sò, vỏ chai thủy tinh, vỏ trứng... Phát hiện vẻ đẹp “tiềm ẩn” từ vỏ trứng, anh Lê Kế Hoàng Thông (SN 1969, ngụ tại 426/2, CMT8, P. Phú Cường, TX.TDM), đã áp dụng cẩn lên SP trang trí nội thất và được mọi người ưa chuộng, qua đó đã tạo nên SP mới, độc đáo mang đậm tính nghệ thuật tại Bình Dương.  Anh Thông giới thiệu các SP được khảm vỏ trứng

Cái “nghiệp” với nghề tranh sơn mài

Lạc vào giữa khu trưng bày SP của các cửa hàng trang trí nội thất tại TP.HCM, người xem dễ dàng nhận thấy những SP trang trí cẩn vỏ trứng nổi bật được sắp đặt một cách khéo léo như: những chiếc bàn, ghế, giường, tủ, hộp, lọ, đĩa... bằng sơn mài được tô điểm và phối cảnh với những mảng khảm trứng tạo nên các tác phẩm TCMN đặc sắc, hấp dẫn khách hàng trong và ngoài nước. Một điều bất ngờ đối với người viết, những SP trên được làm từ bàn tay khéo léo của những người thợ tại cơ sở (CS) sơn mài Hoàng Thông (Bình Dương).

Để xem các công đoạn chế tác, người viết đã tìm đến CS Hoàng Thông, nghe chủ nhân kể về quá trình “chinh phục” nghề. Anh may mắn được sinh ra và lớn lên tại vùng đất có nhiều làng nghề TCMN truyền thống. Bởi vậy, từ nhỏ anh đã nhận thức được niềm đam mê của mình đối với nghề TCMN của quê hương. Để nâng cao tay nghề chế tác SP, anh đã theo học trường Trung học Mỹ thuật Bình Dương (hay còn gọi là trường Bá Nghệ). Tốt nghiệp loại ưu, anh bắt tay làm tranh sơn mài về thiên nhiên, con người Việt Nam xưa và nay... Chia sẻ kinh nghiệm, anh Thông bộc bạch, không phải ngẫu nhiên mà SP sơn mài Bình Dương lại nổi tiếng, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Để SX ra một SP hoàn chỉnh phải mất một thời gian dài từ 3 - 6 tháng. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, pha chế sơn, thực hiện cốt vóc, vẽ, cẩn, mài, đánh bóng... ước tính phải trải qua gần 25 công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn có kỹ thuật riêng, vừa tỉ mỉ lại vừa công phu, đòi hỏi sự kinh nghiệm, khéo léo, kiên nhẫn kết hợp với sự sáng tạo không ngừng của mỗi nghệ nhân.

Trải qua nhiều thế hệ, sơn mài Bình Dương luôn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát, sâu lắng và đậm đà tính cách Á Đông. Tuy nhiên, để những SP của mình đặc sắc hơn, anh đã chuyển sang làm tranh cẩn ốc chìm, cẩn ốc nổi, cẩn vỏ trứng chìm, cẩn vỏ trứng nổi... “Mỗi tác phẩm nghệ thuật tranh sơn mài mang một vẻ đẹp riêng. Bởi vậy, càng làm tôi càng đam mê và coi đây là cái “nghiệp” của mình. Tôi sẽ mãi theo nghề và truyền nghề cho những ai đam mê nghệ thuật màu sắc này, qua đó góp phần gìn giữ làng nghề của quê hương”, anh Thông, nói.

Thêm “hương vị” cho vỏ trứng

Thế nhưng càng về sau, càng nhiều CS SX tranh xuất hiện, bởi vậy đã tạo nên “cơn lốc” cạnh tranh giữa các CS. Do đó, đòi hỏi mỗi nghệ nhân phải tìm cho mình hướng đi để “trụ” vững với nghề. Trước thách thức đó, năm 2005, anh Thông đã mạnh dạn chuyển SX tranh sang SX đồ trang trí nội thất sơn mài cẩn vỏ trứng. Chị Kiều Thị Kim (vợ anh Thông), chia sẻ, bước đầu chuyển đổi SX, CS gặp nhiều khó khăn về đầu ra và cách bảo quản SP. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của Hiệp hội Tranh sơn mài Bình Dương, mô hình SX của anh đã gặt hái được nhiều thành công. Không dừng lại việc đáp ứng nhu cầu trong nước, CS đã liên kết với các công ty chuyên xuất khẩu SP trang trí nội thất trong và ngoài tỉnh để xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Để có được một SP nội thất khảm vỏ trứng, ngoài sự tỉ mỉ và kỹ càng trong quá trình làm, còn đòi hỏi có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố mỹ thuật và sự khéo léo của bàn tay người thợ. Bắt đầu từ khâu vẽ mẫu SP và tìm nơi chế tác theo đơn đặt hàng, sau đó cẩn vỏ trứng lên bề mặt, đánh sơn bóng hoặc keo để bảo quản. Vỏ trứng dùng để cẩn phải là vỏ trứng gà hoặc trứng vịt sau khi nở, ngâm nước và làm sạch rồi cho đảo trên lò than. Cần màu nâu cháy nhẹ thì đảo nhỏ lửa và cho ra trước, nếu để lâu hơn thì được màu nâu cháy gắt. Vậy là có thể có được các màu trắng, vàng, hồng tươi của trứng gà; xanh của trứng vịt; màu nâu cháy vừa, nâu cháy gắt hay hơi đen của trứng nướng... sẵn sàng cho người thợ thể hiện khả năng sắp đặt, phối màu tạo nên những SP khảm trứng đặc sắc.

Quá trình gắn vỏ trứng lên SP phải thật cẩn thận, dùng que dính từng mảnh vỏ trứng nhỏ, nhúng vào keo rồi dán đều khít lên các bề mặt theo yêu cầu tạo hình, phối màu. Cuối cùng dùng búa gõ nhẹ để tạo độ rạn của vỏ trứng trên SP... Những SP nội thất khảm trứng tuy mất nhiều công sức nhưng dù là loại khảm trứng 100% bề mặt hay điểm xuyết những hàng, vệt đều có những nét đặc sắc riêng, rất hấp dẫn và lôi cuốn. Mỗi SP có giá từ 70.000 - 40 triệu đồng, tùy loại như: bình hoa, hộp tăm, bộ bàn ghế, giường ngủ, đèn ngủ...

Được biết, hiện nay CS đã tạo việc làm ổn định cho 4 người lao động. Mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/ tháng, thời gian làm việc 8 giờ/ngày. Để CS đứng vững và tiếp tục phát triển trong tương lai, thì trăn trở lớn nhất hiện nay là làm sao có thể quảng bá và giới thiệu được các SP cẩn trứng của CS đến với người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch trong và ngoài nước.

Đây là một mô hình hay, vì không những tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động, mà còn phát triển thêm được ngành nghề mới tại địa phương, góp phần đa dạng hóa các SP TCMN phục vụ người dân. Do đó, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành không chỉ hỗ trợ việc quảng bá giới thiệu SP, mà cần quan tâm đến việc hỗ trợ đào tạo nghề và mở rộng phát triển SX đối với loại sản phẩm độc đáo, đặc sắc này.

T.LÝ - H.LỢI