Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự

Thứ bảy, ngày 09/06/2018

(BDO) Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) được quy định tại Điều 27 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 là thời hạn do BLHS quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS. Thời hiệu truy cứu TNHS được quy định như sau: 5 năm đối với tội phạm ít ngiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hiệu truy cứu TNHS được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định thời hiệu tại khoản 2, Điều 27 BLHS, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà BLHS 2015 quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 1 năm tù thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Việc không áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS quy định tại Điều 27 của BLHS 2015. Theo đó, không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm sau đây: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của BLHS 2015; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của BLHS; tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của BLHS 2015; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của BLHS 2015.

Miễn trách nhiệm hình sự: Trước hết, TNHS là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý mà người phạm tội phải chịu trước Nhà nước do việc thực hiện hành vi phạm tội mà mình đã thực hiện. TNHS do Tòa án - Nhân danh Nhà nước áp dụng và được thể hiện bằng bản án kết tội có hiệu lực pháp luật cũng như hình phạt mà tòa án áp dụng đối với người phạm tội ghi trong bản án đó.

Miễn TNHS đối với người phạm tội có nghĩa là miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và đương nhiên kéo theo cả miễn phải chịu các hậu quả tiếp theo do việc thực hiện TNHS từ phía Nhà nước đem lại như: Miễn bị kết tội, miễn phải chịu biện pháp cưỡng chế của TNHS và miễn bị mang án tích.

Tại Điều 29 BLHS năm 2015, các căn cứ miễn TNHS được quy định như sau:

- Người phạm tội được miễn TNHS khi có một trong những căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; khi có quyết định đại xá;

- Người phạm tội có thể được miễn TNHS khi có một trong các căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; trước khi các hành vi phạm tội được phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận

- Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS, thì có thể được miễn TNHS.

 Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5748/UBND-NC ngày 18-12-2017 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.