Thời gian giữa hai lần tăng giá xăng tối thiểu là 10 ngày
Đề xuất này được đưa ra khi bàn về các phương án điều hành kinh doanh xăng dầu trong dự thảo Nghị định 84 sửa đổi.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công thương hoàn thành. Về phương án tính giá, thay vì 10 ngày, Bộ Công thương đề xuất khi các yếu tố hình thành giá làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 5%, thương nhân đầu mối giữ khoảng cách tối thiểu là 15 ngày sẽ được tăng giá.
Nếu giá giảm trong phạm vi 6%, tối đa 15 ngày sẽ phải giảm giá. Nếu giá giảm trên 6%, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về thuế, quỹ bình ổn..., thương nhân đầu mối phải tiếp tục giảm giá bán lẻ, không hạn chế khoảng thời gian và số lần.
Phương án 2, Bộ Công thương đề xuất sẽ lấy giá cơ sở của tháng trước làm giá bán lẻ của tháng tiếp theo. Giá cơ sở được tính toán theo giá Platts Singapore (hoặc giá công bố tại sàn khác) tính bình quân 30 ngày.
Ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo, liên bộ Tài chính - Công thương sẽ công bố giá bán lẻ tối đa áp dụng trong tháng. Các thương nhân đầu mối có quyền tăng, giảm giá nhưng không vượt quá giá trần do liên bộ công bố.
Phương án 3, Bộ Công thương đề xuất mức trần giá bán lẻ cả năm sẽ được công bố tại ngày làm việc đầu tiên của năm. Doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán, thời điểm điều chỉnh giá. Định kỳ hằng quý, cơ quan quản lý nhà nước tính toán chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ quy định. Nếu giá cơ sở vượt mức trần giá bán lẻ thì doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp chênh lệch.
Tuy nhiên, tại hội thảo sáng 17/5 do Hiệp hội xăng dầu tổ chức, bình luận về 3 phương án này, TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện khoa học thị trường giá cả, cho rằng biên độ như vậy cũng chưa phù hợp với sự biến động thường xuyên của giá xăng dầu thế giới mà phải ngắn hơn. Để phù hợp với sự biến động liên tục, thường xuyên của giá xăng dầu thế giới nên công bố giá bán lẻ tối đa là 10 ngày.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tiu – Chủ tịch H ĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần xăng dầu tự lực 1 cho rằng: Việc điều chỉnh, nhất là tăng giá kéo dài, gây xáo trộn, khó khăn cho việc kinh doanh của DN. Quý 1/2013, thời gian điều chỉnh giá để lâu dẫn đến nhiều đại lý không còn nguồn hàng cung cấp. Vì kéo dài DN đầu mối bị lỗ, nguồn cung hạn chế. Điều này tạo ra kẽ hở trong việc quản lý, nhất là việc đầu tư. “Nên rút ngắn tần suất điều chỉnh giá 10 ngày là hợp lý. Để lâu quá rất mệt mỏi, tạo tâm lý trông chờ” – ông Tiu nói.
Nhiều DN khác cũng cho rằng, nên rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xuống 10 ngày thay vì 30 ngày như hiện nay.
Nên ổn định thuế nhập khẩu
Cũng tại hội thảo sáng 17/5 do Hiệp hội xăng dầu tổ chức, nhiều DN kêu “chóng mặt” vì cơ quan quản lý liên tục thay đổi thuế suất nhập khẩu xăng dầu. Theo quan điểm của ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu, nên ổn định thuế nhập khẩu trong 1 năm. Đầu năm QH tính nhu cầu nền kinh tế cần bao nhiêu xăng dầu, giá thế nào để áp thuế và giá bán. Cách làm này còn giúp công khai toàn bộ hệ thống xăng dầu nộp thuế năm nay là bao nhiêu. Khi thuế ổn định rồi không còn yếu tố biến động về giá thì quyền quyết định giá của DN rất minh bạch. Khi đó hải quan cũng không lo gì DN trốn thuế. “Với cách làm như bây giờ rất rắc rối. Cho tới 310 ngày tạm nhập tái xuất mà chẳng biết xăng dầu đó đi đâu về đâu” – ông Ruệ nói.
Ngoài việc ủng hộ quan điểm nên ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu trong thời gian 6 tháng đến 1 năm, Phó Tổng giám đốc Công ty Hóa dầu Quân đội cho rằng, có thể lấy 1 giá trần bán lẻ xăng dầu cho cả năm thì quá tuyệt với. Vì trên mức giá trung bình năm trước, tính CPI thì có giá trần năm sau. Trên cơ sở đó cho DN có quyền điều chỉnh giá. “Với cách quản lý xăng dầu hiện nay, người tiêu dùng cho rằng để DN quyền định giá thì không ổn. Nhưng điều này chưa hoàn toàn vì DN lúc nào cũng mong bán được lượng hàng tốt ra thị trường. Nếu vượt giá trần thì nhà nước có thể sử dụng công cụ khác để quản lý… DN mong muốn để làm sao biến số ít nhất để có thể tính toán được khi kinh doanh”.
Theo VOV