Thời cơ “vàng” từ Luật Lâm nghiệp
(BDO) Ngày 15-11-2017, Luật Lâm nghiệp mới đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Luật mới ra đời cho thấy một hướng đi đúng của ngành nông nghiệp nước ta, đó là tập trung tháo gỡ các nút thắt về cơ chế, chính sách và cách thức tổ chức việc thực hiện để nâng cao năng lực bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, phát triển rừng nhằm nâng cao độ che phủ của rừng và cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gỗ.
Ngành gỗ cả nước đang tăng trưởng rất khả quan, với mục tiêu tới năm 2025 đạt giá trị xuất khẩu 20 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, nước ta cần chuẩn bị nguồn nguyên liệu ổn định cho sự phát triển lâu dài của ngành gỗ, quan trọng nhất là tính hợp pháp của nguồn gốc nguyên liệu. Theo Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), để đạt được cột mốc 25 tỷ USD, nguồn nguyên liệu gỗ phải tăng từ 17%/năm trở lên. Hàng năm, ngành gỗ cả nước cần hơn 26 triệu m3 gỗ xẻ để phục vụ sản xuất. Hiện nguồn cung nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được 67% nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp gỗ. Thời gian qua, phần lớn nguồn nguyên liệu được các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu từ Campuchia và Lào, nay xu hướng này đã giảm đáng kể bởi độ rủi ro về tính pháp lý.
Mới đây, BIFA cùng các hiệp hội gỗ khác trong cả nước đã có bản dữ liệu về tình hình Việt Nam nhập khẩu gỗ tròn và xẻ từ Lào và Campuchia tính đến hết 10 tháng 2018. Kết quả cho thấy, lượng nhập khẩu gỗ của các doanh nghiệp trong nước từ 2 thị trường này đều giảm; luồng cung từ Lào còn lại không đáng kể, luồng cung từ Campuchia cũng giảm.
Qua đó cho thấy, Luật Lâm nghiệp mới ra đời rất phù hợp với bối cảnh ngành gỗ cả nước hiện nay. Luật này sẽ giúp các doanh nghiệp, hộ nông dân tích cực trồng rừng phục vụ nhu cầu nguyên liệu hợp pháp trong nước. Việc này vừa giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguyên liệu, đồng thời cũng giúp các hộ nông dân có lợi nhuận cao khi tham gia trồng rừng. Điều đáng nói, khi luật này có hiệu lực sẽ góp phần hình thành chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm gỗ một cách có hệ thống, bài bản, góp phần đưa ngành gỗ nước nhà phát triển bền vững.
HOÀNG PHONG