“Thời cơ vàng” để sở hữu nhà ở
(BDO) Ghi nhận của lĩnh vực đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương cho thấy từ tháng 6-2022 đến nay, số lượng hồ sơ đăng ký biến động đất đai trên địa bàn đã giảm đáng kể. Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản và các doanh nghiệp, nhà môi giới cũng xác nhận tình trạng “chững” đáng báo động đối với nhiều nhóm sản phẩm bất động sản trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia về bất động sản, đây cũng là thời cơ vàng để người dân, người lao động có cơ hội để hiện thực hóa giấc mơ sở hữu đất nền, nhà ở. Cụ thể, khi nhu cầu giảm, giá thành của các sản phẩm bất động sản cũng sẽ có xu hướng “chững” lại hoặc giảm so với thời điểm thị trường còn sôi động. Thậm chí, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư vì gánh nặng lãi suất ngân hàng và các mục tiêu tài chính khác cũng có thể sẵn sàng cắt lỗ để thanh lý bất động sản.
Nói cách khác, khi các nhà đầu tư tìm cách bán tháo bất động sản thì cũng là lúc mà những người dân có nhu cầu thật về đất nền, nhà ở có cơ hội tiếp cận nhiều bất động sản tốt với mức giá hợp lý. Việc Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản thông qua hoạt động nới room tín dụng, hạ lãi suất cho vay… là những tín hiệu đáng mừng.
Với mong muốn người dân, người lao động sớm ổn định, an cư và gắn bó lâu dài với Bình Dương, thời gian qua tỉnh cũng trình Chính phủ phương án xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội. Theo kế hoạch, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 84.000 căn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 336.000 người lao động. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến sẽ có khoảng 42.000 căn hộ; giai đoạn 2026-2030 dự kiến tăng thêm khoảng 42.000 căn hộ. Quỹ đất phục vụ các dự án nhà ở xã hội dự kiến đạt khoảng 93,3ha và tổng kinh phí đầu tư xây dựng công trình ước tính đạt khoảng 45.000 tỷ đồng. Những thông tin vừa nêu thực sự hữu ích với số đông công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.
KHÁNH LINH