Thoát nước ngoài hàng rào các khu công nghiệp: Cần có sự đầu tư đồng bộ

Thứ bảy, ngày 12/09/2015

Trong quá trình phát triển công nghiệp, tỉnh Bình Dương rất quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống thoát nước ngoài các khu công nghiệp (KCN). Tuy vậy, hiện việc vận hành hệ thống thoát nước ngoài hàng rào các KCN vẫn còn những khó khăn.

(BDO) Bình Dương hiện có 29 KCN và 8 cụm công nghiệp. Thời gian qua công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch và phối hợp triển khai đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước ngoài hàng rào các KCN đã được các địa phương trong tỉnh quan tâm.

TX.Bến Cát là một trong những địa phương phát triển nhiều KCN của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn thị xã có 8 KCN và 1 cụm công nghiệp với diện tích trên 3.180 ha. Hiện nay, 2 KCN Mai Trung và Việt Hương 2 về cơ bản hệ thống thoát nước đã hoàn chỉnh, toàn bộ lượng nước thải và nước mưa đều thoát về hệ thống kênh bê tông dẫn về sông Sài Gòn.

Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước thải KCN Rạch Bắp đã được đầu tư hoàn chỉnh tiêu thoát nước đổ ra sông Thị Tính. Các KCN Mỹ Phước hệ thống thoát nước ngoài KCN đã được bê tông hóa dẫn nước thải về sông Thị Tính.

Còn trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một hiện có 36 khu dân cư đô thị và Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch Vụ - Đô thị; trong đó khu liên hợp đã được quy hoạch bảo đảm kết nối hệ thống thoát nước cho cả khu vực.

Trong - ngoài, trước - sau: Còn vênh nhau!

Hiện nay, nhiều KCN, khu đô thị việc thoát nước chủ yếu vẫn qua các tuyến suối, kênh rạch hiện hữu. Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết hiện địa phương chưa xây dựng quy hoạch, kế hoạch và phối hợp triển khai thực hiện, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước ngoài hàng rào của KCN và đô thị Bàu Bàng.

Việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước ngoài hàng rào của khu này chỉ dừng lại ở mức nạo vét, khai thông dòng chảy các nhánh suối trên địa bàn huyện.

Theo ông Nguyễn Văn Lắm, Phó Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, các KCN, khu đô thị còn lại trên địa bàn thoát nước theo các tuyến suối hiện hữu dẫn về sông Thị Tính. Nhiều tuyến suối có kết cấu đất, tiêu thoát nước tốt cho KCN và đô thị nhưng hàng năm phải nạo vét bằng cơ giới nên cần nguồn kinh phí tương đối lớn để thực hiện…

Đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước ngoài hàng rào các KCN góp phần bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Đoàn khảo sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát tại Suối Cái (TX.Tân Uyên)

 Trong khi đó, địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong bố trí kinh phí đầu tư, đấu nối hệ thống thoát nước…

Ông Lê Thành Tâm, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX.Bến Cát, cho biết hiện nay KCN Rạch Bắp đã có hệ thống thoát nước bên ngoài ra sông Sài Gòn, tuy nhiên đoạn từ cống Rạch Bắp tại ngã 3 Rạch Bắp đến sông Sài Gòn khi mưa lớn nước thường tràn vào nhà dân gây ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và hoa màu của dân. Đối với tuyến suối Ông Lốc - Suối Cái có chiều dài toàn tuyến 34,5km, là ranh giới KCN Việt Nam - Singapore II và 2 phường Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa (TX.Bến Cát); khi mưa lớn toàn bộ lượng nước mưa từ KCN chảy về tuyến suối Ông Lốc thường xuyên gây ngập.

Hiện Dự án nạo vét mở rộng suối Ông Lốc đã có chủ trương và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư nhưng đến nay công trình vẫn chưa thi công.

Còn theo ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, theo quy định, cấp tỉnh quản lý các khu, cụm công nghiệp, do đó việc thu thập số liệu, báo cáo tình hình hoạt động có liên quan về thoát nước đến các khu, cụm công nghiệp có những khó khăn.

 Trong khi đó công tác phối hợp trong việc đánh giá tình hình thoát nước trong các khu, cụm công nghiệp với các ngành chức năng của thị xã còn chưa tốt…

 Bên cạnh đó, các tuyến đường trên địa bàn TX.Tân Uyên trước đây được triển khai nhiều giai đoạn, không đồng bộ nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật. Vì các tuyến trục đường chính chủ yếu thoát nước mặt mà chưa tính toán thoát nước khu vực nên khẩu độ thoát nước nhỏ.

Ngoài ra việc nâng cấp, mở rộng đường đã tác động không nhỏ đến việc thoát nước như mặt đường nâng cao cống thoát nước đi theo, lượng nước tập trung đổ về các cống cũ vốn nhỏ hẹp dẫn đến quá tải gây ngập úng; tình trạng lấn dòng chảy và một số mương thoát nước tự nhiên trước đây bị lấn chiếm, biến dạng, có khi không còn đã ảnh hưởng đến việc thoát nước, gây thiệt hại cho người dân...

Bảo đảm hạ tầng thoát nước lâu dài

Nhìn chung, hệ thống thoát nước ngoài hàng rào các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đang tiêu thoát nước tốt nhưng về lâu về dài, với sự phát triển, mở rộng của các KCN thì lượng nước xả ra tương đối lớn, các hệ thống thoát nước sẽ không tiêu thoát nước kịp. Do đó cần có giải pháp kịp thời và bê tông hóa các trục tiêu chính để tiêu thoát nước cho những năm tới.

Ông Nguyễn Văn Thương cho biết, hệ thống thoát nước ngoài hàng rào KCN và Đô thị Bàu Bàng hiện có thể thoát nước được nhờ 3 cửa ra của khu này nhưng về lâu dài cần đầu tư mở rộng hệ thống đấu nối ra ngoài hàng rào.

Trong thời gian tới, huyện sẽ nâng cấp mở rộng cống thoát nước qua đường suối Bến Ván và nạo vét suối Bến Ván phía thượng lưu (từ cống Bến Ván đến giáp cửa xả thoát nước ra ngoài KCN và Đô thị Bàu Bàng); đồng thời nạo vét khai thông dòng chảy suối Bến Ván...

Còn ông Đoàn Hồng Tươi thì cho biết trong thời gian tới, TX.Tân Uyên sẽ chỉ đạo nạo vét các trục thoát nước hiện hữu các tuyến đường ĐT, ĐH trên địa bàn; đồng thời đầu tư mới thoát nước mặt tại các vị trí ngập nước, xây dựng các hệ thống đấu nối từ các khu, cụm công nghiệp sau khi đã qua xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Ông Nguyễn Tầm Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Khảo sát tình hình thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước ngoài hàng rào các KCN trên địa bàn tỉnh, cho rằng hệ thống thoát nước ngoài hàng rào các KCN, khu đô thị trước đây đã có nhưng khi chưa đô thị hóa, công nghiệp hóa, lưu lượng dòng chảy đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước.

Song khi tỉnh thực hiện xây dựng đô thị, công nghiệp đã thu gom lại 1 cửa nên tốc độ lưu lượng nước thay đổi. Trong những năm qua, Bình Dương đã quan tâm đầu tư nạo vét, khai thông, kè đá bê tông, tuy nhiên hiện nay hệ thống thoát nước ngoài hàng rào các KCN nhìn chung chưa đồng bộ, còn có tình trạng thắt cổ chai, có nơi gây ngập cục bộ các tuyến đường. Ngoài ra, hiện trạng các suối, kênh rạch hiện nay không bảo đảm thoát nước cho lâu dài… là những khó khăn cần khắc phục để các địa phương phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Tầm Dương cho rằng sau đợt khảo sát thực tế vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh sẽ có báo cáo thực trạng trước Hội đồng giám sát, từ đó có kiến nghị lên UBND tỉnh trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng để đồng bộ hóa hệ thống thoát nước. Ngoài ra, hiện Viện Quy hoạch và Phát triển Bình Dương đang lập quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để Bình Dương giải quyết tốt vấn đề thoát nước ngoài KCN.

• PHƯƠNG AN

 

Từ khóa: