Thỏa thuận Paris và tương lai của nhân loại

Thứ ba, ngày 15/12/2015

Sau gần hai tuần đàm phán căng thẳng, cuối cùng thì 195 quốc gia cũng đạt được nhất trí về thỏa thuận khí hậu tại COP21 (Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris). Mặc dù phải đến năm 2020 thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mới chính thức có hiệu lực, nhưng đây được coi là cơ hội cuối cùng để thay đổi viễn cảnh tồi tệ nhất mà biến đổi khí hậu sẽ đem lại như hạn hán nghiêm trọng, lũ lụt, bão tố tiếp tục gia tăng cũng như nhiều hòn đảo và các bờ biển đông dân cư sẽ biến mất nếu nước biển dâng cao.

(BDO)

 Mặc dù chưa đạt được tất cả những điều mà các nhà môi trường, các nhà khoa học và một số quốc gia kỳ vọng, nhưng thỏa thuận Paris đã dọn đường cho những nỗ lực tiếp theo để nhân loại thoát dần các thảm kịch tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Một số điểm nổi bật trong thỏa thuận Paris là giới hạn nhiệt độ trái đất tăng thêm ở mức 2 độ C (cố gắng chỉ trong mức 1,5 độ C) và dành 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển kể từ năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Paris còn hướng đến việc cách mạng hóa hệ thống năng lượng của thế giới bằng cách cắt giảm hoặc loại bỏ than và các loại nhiên liệu hóa thạch khác, thay thế chúng bằng các nguồn năng lượng tái tạo được như năng lượng mặt trời và gió. Đây là một thỏa thuận công bằng, bền vững và có tính ràng buộc về pháp lý.

Để có được thỏa thuận nói trên, tại lễ khai mạc COP21 vào ngày 31-11, Tổng thống Pháp François Hollande từng tuyên bố: “Chưa bao giờ một cuộc họp quốc tế có tầm quan trọng đến như vậy, bởi nó quyết định tương lai của trái đất, tương lai của sự sống. Hy vọng của loài người đè nặng lên đôi vai của tất cả chúng ta”. Trước đó, các nhà khoa học đã từng cảnh báo, nếu cộng đồng quốc tế không sớm hành động để giảm khí thải, thế giới sẽ hứng chịu những trận bão khủng khiếp, các đợt hạn hán khô cháy, nước biển dâng cao đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người. Và, để gây sức ép buộc các nhà lãnh đạo quốc tế hành động quyết liệt, hơn 500.000 người dân trên khắp thế giới đã tham gia các cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu với khẩu hiệu chung là: “Không có hành tinh thứ hai cho chúng ta”; “Con cháu chúng ta cần có tương lai”.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển có thể dâng cao thêm 1m, ước tính khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập, riêng TP.Hồ Chí Minh có thể sẽ bị ngập đến 20% diện tích; khoảng 10 - 12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất kinh tế có thể lên tới 10% GDP.

Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững đất nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, đồng thời phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược Quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai... Tất cả những việc làm này là nhằm hướng đến một tương lai tươi sáng hơn không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn đối với nhân loại trên trái đất này

 LÊ QUANG