Thỏa niềm đam mê gốm cổ

Thứ năm, ngày 13/06/2019

(BDO) Từ niềm đam mê sưu tầm cổ vật mà đặc biệt là gốm sứ Bình Dương, ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) cổ vật TX.Thuận An đã có bộ sưu tầm đáng mơ ước về giá trị văn hóa, lịch sử của một vùng gốm nổi tiếng xưa nay là gốm Lái Thiêu…


Ông Nguyễn Hữu Phúc giới thiệu về các bình gốm cổ Lái Thiêu

Ông Nguyễn Hữu Phúc hiện sống ở khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An. Ông cho biết CLB được thành lập từ năm 2013. Ban đầu có hơn 17 thành viên nhưng hiện tại có 23 thành viên thường xuyên sinh hoạt cùng nhau. Các thành viên ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh miền Tây. Mọi người đến với nhau bởi có chung niềm đam mê sưu tập đồ cổ nhiều thể loại: đồ gốm, đồ gỗ, tranh, ảnh...

Ông Phúc sinh ra và lớn lên ở Cà Mau. Đến năm 1975, ông rời xa gia đình lập nghiệp tại Sài Gòn. Năm 1977, ông cùng gia đình về Lái Thiêu sinh sống và mua bán. Cơ may đưa đến cho ông là có một nhóm người từ Campuchia, Thái Lan tìm về các lò gốm Lái Thiêu để mua đồ gốm sứ. Ông Phúc nói: “Ban đầu tôi chỉ là người địa phương, biết rành các lò gốm nên giới thiệu người ta đi mua. Sau đó thấy nghề này cũng hay hay nên tôi đam mê tự mày mò tìm hiểu rồi làm thêm. Thấy họ mua đủ thứ gốm gia dụng từ chén dĩa, bình trà, nhiều đồ dùng trong gia đình có nguồn gốc từ gốm Cây Mai, gốm Lái Thiêu… thế là tôi cũng thu mua đem về nhà. Khoảng nửa tháng đến một tháng thì có người đến mua lại. Công việc làm ăn thuận lợi, tôi mở rộng thị trường ở Sài Gòn cũng như lục tỉnh. Cứ thế dần dần tôi mê việc sưu tầm đồ cổ hồi nào không hay”. Nghề này đã cho ông Phúc gặt hái khá nhiều thành công, nhiều món hàng quý hiếm. Theo tìm hiểu, hiện nay ông còn giữ được một số đồ có giá trị hàng tỷ đồng. Điển hình như 2 chiếc độc bình mà có khách trả hơn 700 triệu đồng ông còn luyến tiếc chưa muốn bán.

Theo ông Phúc, gốm có nhiều loại từ đồ dùng gia dụng, đồ thờ tự, đồ dùng trong các gia đình trí thức, quý tộc xưa và cái quý giá của gốm là độc bản. Có những loại người ta chỉ làm 1 - 2 mẫu hoặc làm để biếu, tặng nên giá trị của nó ngày càng cao. Người chơi gốm thường nhìn vào chất liệu, hoa văn, mẫu các bức tranh được vẽ trên gốm sứ để đoán niên đại của gốm. Một trong những điều làm nên sự độc đáo của gốm cổ là nét vẽ của họa sĩ dân gian mà không có một tác phẩm nào giống nhau. Các tác giả là thợ vẽ trong các lò gốm xưa thường vẽ theo ngẫu hứng. Có những màu mực độc đáo được tạo thành nhọ nồi trộn chung với mực Tàu tạo thành một loại mực màu đen rất đẹp, sắc sảo, đậm đà và rất bền, không bị phai nhạt trên sản phẩm gốm xưa.

Những người làm gốm cổ thường hay nói điều này: “Nhất liệu nhì nung tam hình tứ trí” - tức là một sản phẩm gốm tốt phải đạt được 4 tiêu chuẩn như trên. Còn người chơi gốm cổ phải biết tiêu chí như sau: “Nhất dáng nhì da tam toàn tứ tuổi”. Tức là nhìn vào gốm để nhận biết dáng hình, màu men, sự toàn mỹ cũng như niên đại của nó mới đánh giá được giá trị của món đồ. Cũng theo ông Phúc, chỉ có đất ở Bình Dương mới làm ra được những sản phẩm gốm sứ độc đáo, đặc biệt mà không nơi nào giống như thế mới góp phần cho gốm sứ đi xa, ra Bắc, xuôi miền Tây cũng như đi các nước khác trên thế giới.

Giá trị của một món đồ gốm cổ còn nằm ở hoa văn của người thợ vẽ. Nó có thể là tích về phong cảnh sơn thủy, bông hoa, tranh về gà, cổ đồ… Người chơi đồ cổ ngoài đam mê phải có tâm và chữ tín mới theo được với nghề. Bởi cũng như các ngành nghề khác, việc lừa dối nhau một món hàng để được giá vẫn có thể xảy ra mà người mua dễ bị tiền mất tật mang. Đam mê với một món đồ cổ cần tìm hiểu mọi chuyện, rõ ngọn nguồn nếu không biết có thể hỏi bạn bè chung trong CLB để mọi người chia sẻ thông tin cho nhau. “Không được giấu nghề, cần phải chia sẻ với nhau về những điều mình biết. Như vậy, mới duy trì được lâu bền tình bạn hữu cũng như giúp nhau lúc cần thiết”, ông Phúc chia sẻ.

Việc sưu tầm và buôn bán đồ cổ của các thành viên trong CLB có thể cho thu nhập vài triệu đến vài chục triệu đồng, có khi cả mấy trăm triệu đồng/tháng. Giá trị của một món đồ cổ nằm ở niên đại, văn hóa, lịch sử kể cả nó gắn liền với một giai đoạn của vùng đất, mang đậm phong tục tập quán nơi đó nên không thể nói được chuyện đắt rẻ. Điều đáng quý là những người đam mê đồ cổ như ông Phúc sẽ góp phần sưu tầm, gìn giữ cổ vật, tạo nên những bộ sưu tập độc đáo cho các thế hệ sau biết nhiều hơn về làng nghề truyền thống gốm Lái Thiêu, Bình Dương xưa…

QUỲNH NHƯ