Thơ xuân đất Thủ ngập tràn ý hay
(BDO) Tết đến xuân về mang đến cho mọi người nhiều cung bậc cảm xúc. Có người xao xuyến trước cảnh đẹp mùa xuân ở Bình Dương. Có người nhớ nhà, nhớ quê. Có người nhớ người yêu, nhớ người chiến sĩ biên cương. Có người nhớ về những nét đẹp lễ hội của đất Thủ… Và trong những vần thơ viết về mùa xuân do các nhà thơ, các hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh sáng tác cũng chan chứa những cảm xúc ấy.
Các tác giả, nhà thơ Bình Dương dành tặng nhau những bó hoa nhân dịp Tết Nguyên tiêu Kỷ Hợi 2019
Lần giở những trang thơ xuân nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chúng tôi càng thêm yêu Bình Dương, yêu quê hương mình, nơi được mọi người ban tặng danh hiệu “Đất lành chim đậu” này. “Nắng xuân về tình xuân dào dạt/ Hương hoa xuân ngan ngát muôn nơi/ Xuân về hoa thắm rạng ngời/ Bình Dương rực rỡ tuyệt vời sắc xuân… Thành phố mới… thành phố thông minh/ Rạng danh thành phố đẹp xinh nghĩa tình…”. Những câu chữ trong bài Bình Dương mùa xuân do Lệ Hồng sáng tác đã miêu tả mùa xuân ở Bình Dương thật tuyệt vời từ cảnh sắc cho đến nghĩa tình.
Mùa xuân không chỉ đẹp mà còn mang đến nhiều niềm vui, khiến lòng người cũng hân hoan đến nỗi muốn níu kéo để được trẻ lại cùng xuân mãi thôi. “Xuân mềm dáng ai/ Áo dài xuống phố/ Xuân đang loang lổ/ Khắp cả đất trời/ Trẻ lại tôi ơi!” (trích trong bài “Xuân hân hoan” của Phùng Hiếu). Còn tác giả Trăng Khuyết thì lại có một chút tự tình khi xuân đến. Trong bài “Lời tự tình tháng giêng”, tác giả đã rất tinh tế khi dùng “Đôi tay ngoan/ Ôm xuân về thật khẽ”. Để rồi “Như sợ mùa… vàng nắng nhạt tháng giêng/ Sợ gió lay xước ngọn lá ưu phiền/ Để sắc xuân ướp nồng trang thơ mới…”.
Với cách dùng câu từ đầy ấn tượng, nhiều tác giả, nhà thơ đã tạo cho người đọc những cảm xúc rất đặc biệt. Tiêu biểu như tác giả Trịnh Bửu Hoài đã muốn “Tặng người một ánh rằm xuân/ Cho trong suốt cả tình thân bao người” (trích trong bài “Tặng người một ánh rằm xuân”). Vẻ đẹp của ánh trăng đêm rằm mùa xuân còn có khả năng làm cho “Lúa rúc rích quên đêm thâu/ Người rúc rích… quên cả màu thời gian!” trong bài “Cánh đồng trăng… xuân” của nhà thơ Thái Giang. Cùng cảm xúc trước vẻ đẹp của trăng mùa xuân, nhà thơ Lê Tiến Mợi đã viết “Bến trăng chợ Thủ” như một sự đồng cảm với tình yêu của nàng Kiều: “Sông xuân mặt nước sương giăng/ Mờ trong sóng vỗ thuyền trăng đợi chờ/ Đò ngang đón nước thủy triều/ Bến sông chợ Thủ… Nàng Kiều đợi ai?”.
Nhắc đến thơ tình yêu trong mùa xuân, thì chúng tôi đặc biệt yêu thích bài “Tình xuân” của nhà giáo Võ Thị Nhạn. Trong “Tình xuân”, người đọc dễ dàng cảm nhận được những thương nhớ, đợi chờ, sự thủy chung son sắt của một anh lính hải đảo và cô công nhân Bình Dương. “Chúng mình ở hai nơi/ Đếm mấy mùa xuân rồi/ Em vẫn chờ vẫn đợi/ Và chỉ yêu anh thôi/ Nơi biển cả trùng khơi”. Cô gái ấy không chỉ rất thủy chung mà còn là một người thợ rất giỏi tay nghề, đang ấp ủ nhiều ước mơ: “Ôi! Yêu lắm em tôi/ Bàn tay vàng người thợ/ Ấp ủ những ước mơ/ Cho mùa xuân rực rỡ/ Dù xa xôi cách trở/ Tình xuân không phai mờ”. Còn trong bài “Mùa xuân về lại chốn xưa” của nhà thơ Lê Minh Vũ, những kỷ niệm về đường Bạch Đằng với hàng dương, con sông xanh biếc và quán cà phê thân thiết đã làm nhà thơ càng nặng thêm nỗi nhớ về một nàng xuân đẹp đến nỗi “thơ anh một đời thao thức”. Anh viết: “Khuấy giọt cà phê tan loãng/ Chắt chiu vị ngọt cuộc tình/ Em một thời rẽ tóc bím hồn nhiên/ Đôi mắt biếc - thơ anh một đời thao thức/ Vòm trời trong xanh mơ ước/ Có đôi chim liền cánh mộng yêu thương”.
Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội ở Bình Dương. Đặc biệt ấn tượng với Lễ hội Rằm tháng giêng - Lễ hội chùa Bà, Trần Anh đã rất thành công khi thể hiện bằng thể thơ thất ngôn bát cú để viết “Nét đẹp Bình Dương”. Với tác giả, lễ hội này ngày càng nổi tiếng bởi những dịch vụ miễn phí làm ấm lòng khách thập phương. “Lễ hội chùa Bà ấm tiếng vang/ Thập phương khách đến đủ hèn sang/ Món ăn thức uống tiền không lấy/ Vá vỏ, gởi xe công chẳng màng”… Vì thế chẳng có gì lạ khi “Bình Dương hãnh diện tình nhân ái/ Phảng phất văn minh đẹp ngỡ ngàng”.
THỤC VĂN