Thổ Nhĩ Kỳ với “ngoại giao đường ống” ở Trung Á

Thứ bảy, ngày 28/01/2023

(BDO) Cuộc gặp 3 bên vào tháng 12/2022 giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Turkmenistan đã cho thấy rằng Ankara có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối một vùng Trung Á giàu khí đốt với phương Tây.

Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã phá vỡ các thị trường năng lượng trên toàn thế giới, vùng Trung Á giàu khí đốt nổi lên như một khu vực quan trọng đối với thế giới đang khát năng lượng.


Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Turkmenistan để thảo luận về hợp tác năng lượng, tháng 12/2022.

Tuy nhiên, khu vực Trung Á với dân cư chủ yếu là người Turk - từ Kazakhstan đến Azerbaijan - đã đóng một vai trò quan trọng trong địa chính trị toàn cầu từ rất lâu trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Các quốc gia dân tộc Turk này - kéo dài từ Trung Quốc đến biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ - là trung tâm của những gì được mệnh danh là “Ván cờ lớn” của thế kỷ 19, vốn là cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành quyền thống trị giữa đế chế Nga và Anh trước đây.

Với việc cả hai đế chế đã biến mất và các quốc gia kế thừa của họ không đủ sức mạnh để đưa ra các điều khoản, các nước cộng hòa Trung Á hiện quay sang Thổ Nhĩ Kỳ khi họ tìm cách xây dựng liên minh mới cùng có lợi.

“Cánh đồng Dostluq”

Theo các chuyên gia, mối quan hệ ngày càng tăng giữa Trung Á và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi gần đây đã chuyển hướng trở thành một trung tâm khí đốt tiềm năng cho châu Âu sau cuộc xung đột Ukraine, có thể có những tác động quan trọng đối với nguồn cung năng lượng của phương Tây.

Do tranh chấp quyền hàng hải, Turkmenistan và Azerbaijan không thể đạt được thỏa thuận sớm hơn để xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Turkmenistan đến Azerbaijan qua Caspi và sau đó đến Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.

Tuy nhiên, vào năm 2021, hai quốc gia dân tộc Turk này đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho phép họ sản xuất khí đốt trong các giếng trên khắp khu vực đang tranh chấp, mà giờ đây họ gọi là “Cánh đồng Dostluq”. Turkmenistan có mỏ khí đốt lớn thứ hai thế giới ở Galkynysh nằm ở phía Đông Nam tỉnh Mary.

Dù không phải là thành viên của Tổ chức Các quốc gia dân tộc Turk, gồm 5 nước Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan nhưng Turkmenistan với vị trí là quan sát viên đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Trung Á của Ankara. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng bày tỏ hy vọng rằng "khí đốt của Turkmenistan sẽ sớm chảy đến Thổ Nhĩ Kỳ qua biển Caspi".

Turkmenistan đứng thứ tư toàn cầu về trữ lượng khí đốt tự nhiên sau Nga, Iran và Qatar. Dù hiện tại Trung Quốc là khách hàng mua khí đốt chính của Turkmenistan nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu bắt đầu mua năng lượng từ nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này để giúp biến Ankara thành một trung tâm khí đốt trong khu vực. Ðể đạt được mục tiêu đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường đầu tư vào các điều kiện kinh tế và chính trị cần thiết để có thể nhập khẩu lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, Azerbaijan, Iran và Turkmenistan, từ đó có thể chuyển hướng vận chuyển năng lượng sang châu Âu và trở thành trung gian bán khí đốt.

Trước cuộc họp 3 bên, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Turkmenistan cũng đã nhóm họp cùng Gruzia - một trong những quốc gia “đồng chủ nhà” của đường ống Baku-Ceyhan-Tbilisi (BTC). Trong cuộc họp, 3 quốc gia đã thảo luận về các vấn đề quan trọng, chẳng hạn như làm thế nào để vận chuyển khí đốt của các nước dân tộc Turk sang phương Tây.

Do xung đột Ukraine và sự hợp tác ngày càng tăng giữa các quốc gia dân tộc Turk, Kazakhstan được cho là ngày càng quan tâm đến việc vận chuyển dầu của mình qua các tuyến đường không phải của Nga, ví dụ như qua BTC, đến châu Âu.

Giống như Turkmenistan, Kazakhstan cũng đặt mục tiêu củng cố cửa khẩu Caspi cho cả mục đích vận chuyển và xuất khẩu khí đốt. Abzal Saparbekuly, cựu Đại sứ Kazakhstan tại Thổ Nhĩ Kỳ, nói với trang TRT World: “Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev luôn nhấn mạnh rằng việc vượt biển Caspi bằng hành lang kéo dài từ Trung Quốc đến Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những ưu tiên quốc gia của chúng tôi”.

Ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ

Một trong những điều đáng chú ý thời gian gần đây là sức nặng chính trị ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Đế chế Ottoman đã từng đóng một vai trò hàng đầu ở Đông Địa Trung Hải và Trung Đông kể từ cuộc chinh phục Constantinople năm 1453 cho đến khi suy tàn sau đại chiến. Ngày nay, sau một thế kỷ gián đoạn, Thổ Nhĩ Kỳ đang tái nổi lên như một cường quốc ở phía đông Địa Trung Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn tận dụng bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine để trở thành điểm trung chuyển các tuyến đường mới giữa Trung Quốc và châu Âu mà không đi qua Nga, với các dự án như đường ống xuyên Caspi, hành lang trung tâm chạy từ biển Caspi đến Thổ Nhĩ Kỳ, hay tuyến đường sắt Trung Quốc-Kazakhstan-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp các lối đi khác cho “Con đường tơ lụa” Trung Quốc.

Zhanibek Baidulla, đối tác quản lý của công ty tư vấn Trung tâm Sáng kiến chiến lược cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc mở cửa các thị trường Liên minh châu Âu (EU) thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác chính của chúng tôi trong khu vực này. Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành một trung tâm năng lượng rất lớn trong khu vực. Và, tất nhiên, Kazakhstan rất quan tâm đến việc trở thành một phần của dự án lớn đó”.

Những tháng cuối năm 2022 không chỉ chứng kiến hai cuộc gặp 3 bên tập trung vào vấn đề năng lượng ở Turkmenistan và Kazakhstan, mà cả hội nghị cấp cao của Tổ chức Các quốc gia Turkic (OTS) tại Samarkand của Uzbekistan. Điều này thể hiện xu hướng tăng cường quan hệ giữa các quốc gia thành viên nói ngữ hệ Turk, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Azerbaijan.

Năm ngoái, Hội đồng Turkic, được thành lập vào năm 2009, đã đổi tên thành Tổ chức Các quốc gia Turkic, báo hiệu mối liên hệ chính trị giữa Trung Á và Thổ Nhĩ Kỳ đang bén rễ và tiến tới thúc đẩy trở lại con đường lịch sử của họ trên khắp Âu-Á.

Theo CAND