Thợ mỏ Chile đối mặt với cái nghèo sau kỳ tích lịch sử

Thứ bảy, ngày 06/08/2011

Nhiều người trong nhóm 33 thợ mỏ Chile được giải cứu trong chiến dịch được cả thế giới quan tâm năm ngoái đang đối mặt với cái nghèo, sau khi nếm trải cơn mưa quà tặng và sự tung hê của giới truyền thông.

Khu mỏ đồng San Jose bị sập ngày 5-8 năm ngoái đã chôn vùi 33 thợ mỏ dưới lòng đất và họ được cho là sẽ chết dần vì đói khát. Nhưng hai tháng sau, một mũi khoan đã chọc thủng căn hầm họ đang ẩn náu dưới độ sâu 700 mét và lần lượt đưa họ lên mặt đất, trước sự chứng kiến của cả thế giới qua truyền hình trực tiếp.

  Cuộc giải cứu thợ mỏ Chile thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Khoảnh khắc các thợ mỏ được giải cứu khiến cả đất nước Chile như vỡ oà và nhóm 33 thợ mỏ trở thành biểu tượng của tình đoàn kết và niềm tin của đất nước này. Những người công nhân bình thường trong phút chốc được giới truyền thông đưa lên hàng siêu sao, từng được 75.000 khán giả sân Wembley London chào đón khi họ được mời tới đây xem đá bóng.

Ngoài ra, các thợ mỏ còn nhận được nhiều quà tặng và những khoản tiền đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ cũng được đài thọ các chuyến đi nghỉ tới Israel và Hy Lạp, cùng thiên đường vui chơi Disneyland. Nhiều người trong số họ đã làm quen với công việc mới ngoài chuyên môn khai mỏ là trả lời phỏng vấn báo chí.

Nhưng một năm sau ánh hào quang của chiến dịch giải cứu lịch sử, hầu hết các thợ mỏ đã quay về với cuộc sống nghèo và một số thậm chí còn sống khổ hơn thời trước khi xảy ra vụ sập hầm. Ngoài vấn đề tài chính, các thợ mỏ còn đối mặt với xáo trộn về tâm lý do nổi tiếng quá nhanh mà không có sự chuẩn bị.

"Chúng tôi từng giống như những ngôi sao nhạc rock. Mọi người trèo cả lên cây để được nhìn thấy chúng tôi", Telegraph dẫn lời thợ mỏ Samuel Avalos, người mới làm việc ở mỏ San Jose vài tháng thì xảy ra vụ sập hầm. Nay anh đã bỏ nghề khai mỏ và kiếm sống bằng công việc bán đĩa CD dạo trên phố.

Trong số phần thưởng sau khi được giải cứu, mỗi thợ mỏ được tập đoàn Kawasaki tặng một chiếc xe máy và nhận 15.000USD từ doanh nhân Chile Leonardo Farkas. Nhưng số tiền này nhanh chóng tiêu tan và họ bắt đầu muốn bán những gì có thể. Avalos đã hỏi người phỏng vấn anh rằng có muốn mua chiếc xe máy Kawasaki mà anh được tặng không. "Hoặc tôi có một lá cờ lưu chữ ký của tất cả 33 thợ mỏ đấy, nó đáng giá bao nhiêu", Avalos hỏi thêm.

Một thợ mỏ được giải cứu khác là Osman Araya đã sử dụng một phần trong số 15.000USD để mua chiếc xe tải nhỏ và giờ anh đang sử dụng nó để đi bán rau tại chợ Copiapo. Một người khác trong nhóm 33 thợ mỏ nổi tiếng là Dario Segovia cũng đang lấy việc bán hoa quả cùng ở chợ này làm kế sinh nhai.

Tuy nhiên, bên cạnh các trường hợp trên cũng có một nhóm nhỏ thợ mỏ được giải cứu, gồm Mario Sepulveda, người đóng vai trò như phát ngôn viên của cả nhóm trong các đoạn video ghi dưới hầm, đã tìm được công việc mới khá ổn là chuyên đi phát biểu và xuất hiện ở các sự kiện để kiếm tiền.

Bên cạnh các vấn đề tâm lý và tài chính, các thợ mỏ còn hứng chịu các di chứng về sức khoẻ sau một thời gian dài bị kẹt dưới lòng đất. Yonni Barrios, thợ mỏ từng đóng vai trò là bác sĩ cho nhóm và nổi tiếng vì có cả vợ lẫn tình nhân đợi trên mặt đất, đang bị căn bệnh nhiễm bệnh phổi nặng.

Tuy nhiên, các thợ mỏ Chile hiện vẫn chưa hết cơ hội kiếm tiền từ sự nổi tiếng của mình trước đây. Nhà sản xuất Mike Medavoy tháng trước công bố rằng ông đã mua bản quyền toàn bộ câu chuyện của các thợ mỏ để dựng thành phim năm 2012. Theo một thoả thuận mà nhóm thợ mỏ ký với luật sư của họ tháng 12 năm ngoái, tất cả tiền thu được từ viết sách hay dựng phim sẽ được chia đều.

Trong khi đó, các thợ mỏ cũng đang hy vọng nhận tiền đền bù từ hai vụ kiện. Đó là kiện chính phủ vì cho phép khu mỏ San Jose không an toàn hoạt động dù có nhiều cảnh báo và kiện các chủ sở hữu khu mỏ. Họ đòi chính phủ đền bù 541.000USD cho mỗi người và đòi số tiền chưa công bố từ công ty sở hữu mỏ.

Khi tuyên bố muốn kiện chính phủ Chile sau khi chính phủ đã chi khoảng 11 triệu USD cho chiến dịch giải cứu, các thợ mỏ lập tức bị chỉ trích là những kẻ hám tiền. Họ phản pháo rằng chính phủ buộc phải giải cứu họ do đã cho phép khu mỏ hoạt động trong suốt thời gian dài trong điều kiện thiếu an toàn.

Theo VNE