Thịt “quá đát” tuồn vào chợ: Làm thế nào để ngăn chặn?

Thứ năm, ngày 26/11/2015

(BDO)

Chỉ vì lợi nhuận, nhiều đầu nậu thu gom thịt bẩn để bán mà sẵn sàng bỏ qua sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng. Thời gian qua, nhiều đối tượng đã thu gom heo bệnh chết, rồi xẻ thịt cung cấp cho các chợ tự phát để thu lợi bất chính. Thói quen mua thực phẩm giá rẻ của nhiều người đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng bán sản phẩm thịt động vật bị bệnh, chưa qua kiểm dịch ra thị trường.

Xe tải chở thịt “quá đát” bị cơ quan chức năng phát hiện ngày 18-11 tại phường An Phú, TX.Thuận An

Thịt “quá đát” vào bếp ăn

Sau thời gian theo dõi, tối 18-11, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp cùng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh và Chi cục Thú y tỉnh tiến hành kiểm tra xe tải BS 61C-009.93 và đã phát hiện trên xe chở gần 1,4 tấn thịt heo bốc mùi hôi thối. Số thịt heo này do ông Nguyễn Văn Cao (SN 1972, quê Thanh Hóa) làm chủ. Tiếp tục kiểm tra tại nhà số 59/2, KP.1B, phường An Phú, TX.Thuận An, lực lượng tiếp tục phát hiện thêm hơn 3 tấn thịt heo bốc mùi hôi thối. Tất cả số thịt trên đều chưa qua kiểm dịch thú y.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Cao khai nhận toàn bộ số thịt heo này đều thu gom tại các lò giết mổ ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Liên quan vụ việc, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Cao tổng số tiền 14,5 triệu đồng về các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và kinh doanh động vật, sản phẩm động vật có trong danh mục thuộc diện phải kiểm dịch, nhưng không có giấy kiểm dịch theo quy định. Ngoài ra, ông Cao còn phải chịu chi phí tiêu hủy 4,5 tấn thịt heo với số tiền gần 12 triệu đồng. Chủ xe tải cũng bị xử phạt số tiền 3,5 triệu đồng.

Qua làm việc, ông Cao khai nhận số thịt heo thu gom với giá cực rẻ và được bán cho các đầu mối tiêu thụ tại chợ tự phát, chợ chiều. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu ông Cao bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt vì hành vi kinh doanh mua bán thịt bẩn. Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, ông Cao từng bị phát hiện, xử phạt hành chính 2 lần vì hành vi kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, cụ thể là thịt heo chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Điều này cho thấy mức phạt hành chính đối với các đối tượng vẫn chưa đủ sức răn đe. Bản thân ông Cao khai báo số thịt heo bệnh thu gom từ các lò mổ có giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng/kg, khi bán ra thị trường chợ “giá rẻ” từ 40.000 - 60.000 đồng/kg thì lời gấp đôi. Bản thân những người bán lại cũng thừa biết nguồn gốc thịt bẩn, nhưng vì hám lợi sẵn sàng tiếp tay làm “đầu mối” tiêu thụ cho các “đầu nậu”.

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hương (22 tuổi, quê Thái Bình), hiện là công nhân một xí nghiệp ở khu vực phường An Phú, TX.Thuận An) cho biết, khi đọc được tin thịt “quá đát” được phân phối ở các chợ tự phát, chợ chiều thì mọi người trong khu nhà trọ mới giật mình vì trước giờ họ vẫn mua thịt “giá rẻ” để chế biến trong bữa ăn. “Hầu hết chúng tôi mua với giá đó thì cũng hiểu thịt là hàng dạt. Người bán cũng thường trấn an thịt ế ẩm nhưng ăn vẫn bảo đảm nên không ai để ý”, chị Hương chia sẻ. Có thể nói, chính tâm lý của người tiêu dùng, nhất là người thu nhập thấp vì ham “giá rẻ” nên cũng góp phần để các đầu nậu cung cấp các loại thịt bẩn có “đất sống”!

 Sáng 25-11, tại Chi cục Thú y tỉnh, Đội Kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh gồm: Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC 49) Công an tỉnh; Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục Thú y tỉnh đã triển khai kế hoạch, phương án kiểm tra từ nay đến tháng 2-2016. Tại buổi triển khai, các thành viên trong đội sẽ được phân công, giao nhiệm vụ cụ thể trong công tác thanh kiểm tra. Theo đó, đội kiểm tra liên gành sẽ tập trung tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở giết mổ, vệ sinh thú y; kiểm tra việc kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ; kiểm tra các kho dự trữ hàng hóa, việc cung ứng của các kho lạnh về nhãn, thời hạn sử dụng; trong đó tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm việc giết mổ trái phép, kinh doanh gia cầm sống…


 Nhiều thủ đoạn qua mặt cơ quan chức năng

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra việc giết mổ, kinh doanh các sản phẩm động vật nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan, tuy nhiên, vì lợi nhuận quá lớn, từ các cơ sở giết mổ, cho đến những người mua bán vẫn sẵn sàng đưa các sản phẩm chưa qua kiểm dịch ra thị trường, nhất là thịt heo chết do bệnh dịch. Ông Cường cho biết, hầu hết heo được kiểm dịch đều được lăn dấu mộc kiểm tra của cơ quan thú y. Tuy nhiên, thực tế nhiều lò giết mổ, hay những người mua bán vẫn lợi dụng để trộn lẫn những heo chưa kiểm dịch, heo bệnh để bán cho người tiêu dùng.

“Một số sạp, quầy mua bán cứ để mảnh da có lăn dấu mộc trên quầy để “đối phó”, còn thực tế thịt đã xẻ ra rồi thì cũng rất khó kiểm tra, xử lý bằng mắt thường. Khi dùng các sản phẩm heo mắc bệnh dịch chết thì nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, các bệnh về tim mạch… nặng hơn là các nguy cơ ngộ độc thực phẩm tập thể khi các sản phẩm được dùng chế biến ở các bếp ăn công nghiệp như thời gian qua. Do đó, để bảo đảm an toàn sức khỏe, người tiêu dùng cần chọn lựa các sản phẩm đã qua kiểm dịch, các sản phẩm có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y”, ông Cường đưa ra khuyến cáo.

Cũng theo ông Trần Phú Cường, từ nay đến trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân (2016), dự báo tình hình kinh doanh các sản phẩm động vật sẽ tăng cao do nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp tết. Hiện Chi cục Thú y tỉnh đang triển khai đợt cao điểm, trong đó xây dựng kế hoạch trước và sau Tết Nguyên đán 2016; đồng thời tăng hoạt động của đội kiểm tra liên ngành của tỉnh, các huyện, thị, thành phố để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan. Trong đó, lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thông qua các đợt kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thú y, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Ngoài ra, lực lượng liên ngành sẽ kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Qua các vụ việc phát hiện kinh doanh “thịt bẩn” trong thời gian gần đây của cơ quan chức năng cũng như các trường hợp ngộ độc tập thể cho thấy đây thật sự là hồi chuông báo động để người tiêu dùng cần cân nhắc trong việc lựa chọn giữa các sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh và giá cả. Có như vậy bữa ăn của người dân không chỉ ngon, bảo đảm vệ sinh mà còn phòng tránh những nguy cơ xảy ra tai biến, gây ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng khi dùng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.

 Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Các thương lái, mua động vật chết để về giết mổ trái phép, sau đó trữ đông rồi cung cấp cho các chợ tự phát, chợ chiều. Do giá của các sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch (động vật bị bệnh chết) rẻ chỉ bằng một nửa so với các sản phẩm được kiểm dịch nên nhiều người có thu nhập thấp chọn mua mà không hề biết đây là sản phẩm “quá đát” ảnh hưởng đến sức khỏe.


MINH DUY