Thiếu hụt lao động: Trở ngại trong thu hút đầu tư!

Thứ tư, ngày 01/06/2011

Theo khảo sát của một công ty chuyên về nguồn nhân lực quốc tịch Nhật Bản, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đóng vai trò như một nền kinh tế đi đầu trong số “các nền kinh tế mới nổi”, Việt Nam đang thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp (DN) trong nước lại đang làm tốt hơn khối DN nước ngoài trong việc thu hút lực lượng lao động (LĐ) vốn đang khan hiếm. Sự thiếu hụt LĐ này đang khiến một số DN nước ngoài từ bỏ ý định xây dựng nhà máy mới ở Việt Nam và chuyển sang Thái Lan hoặc Campuchia.

  Người lao động ở các KCN cần được chăm lo về mọi mặt để họ yên tâm làm việc (Trong ảnh: Trung tâm Khuyến công Bình Dương trao chứng chỉ nghề cho học viên. Ảnh: Trịnh Bình)

Ngành công nghiệp may mặc là một động lực hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam, nhưng ngành này cũng đang gặp phải các vấn đề về LĐ. Một lãnh đạo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nói: “Chúng tôi đang thiếu LĐ trong mọi khâu, từ LĐ thủ công đến các kỹ sư và cán bộ quản lý”. Các DN thành viên VITAS dự báo trong năm nay, lực lượng LĐ của họ sẽ giảm 30% so với năm ngoái. Có những DN đã mất gần 30% lực lượng LĐ kể từ đầu năm nay. Các DN này gặp khó khăn trong việc giữ LĐ và thuê nhân công mới bởi vì việc tăng lương của họ không theo kịp tốc độ tăng giá cả tiêu dùng hơn 10%/năm.

TP.HCM sẽ cần khoảng 87.000 LĐ trong quý II-2011. Cùng với các ngành công nghiệp, các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, tiếp thị, tài chính, kế toán và chăm sóc y tế, cũng dự báo sẽ thiếu LĐ. Tiền lương và bảo hiểm y tế là các nhân tố chính để thu hút và giữ LĐ, nhưng để đưa ra những điều kiện làm việc tốt cho các LĐ triển vọng, các DN phải tiếp tục kinh doanh tốt. Đây không phải là điều dễ dàng. Tình hình này buộc họ phải xem xét việc cung cấp bữa ăn miễn phí như một biện pháp để giữ chân công nhân (CN).

Một nhóm CN nữ làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo (TP.HCM) nói: “Các bữa ăn cũng quan trọng như tiền lương và công việc. Tiền lương và phúc lợi cũng được coi như nhau. Các bữa ăn đủ dinh dưỡng và miễn phí cho các CN làm ca đêm sẽ mang lại sự khác biệt đáng kể”. Nhóm CN nữ này cho biết mọi người sẵn sàng thay đổi việc làm nếu tìm thấy DN nào cung cấp điều kiện làm việc tốt hơn. Hơn 60% LĐ làm việc tại KCN này, là các LĐ đến từ nông thôn do đó các bữa ăn miễn phí rất quan trọng. 

Hiện nay, nhiều DN đang ưu tiên đưa ra các biện pháp khuyến khích đặc biệt cho các LĐ. Công ty Sản xuất Giày Uy Việt (TP.HCM) đã cố gắng thuê 700 LĐ trong tháng 2 và 3-2011 bằng cách đưa ra hàng loạt biện pháp khuyến khích cùng với mức lương cao, chế độ bảo hiểm y tế và bữa ăn. Công ty này đã triển khai hệ thống lương mới để thu hút các CN, trong đó lương không chỉ phản ánh công việc thực tế mà cả thái độ làm việc, sự cần cù và chất lượng. Bên cạnh đó, DN này còn xây dựng một hệ thống chi trả tiền chăm sóc y tế cho gia đình và thân nhân của LĐ.

Lực lượng LĐ ở Việt Nam có xu hướng tập trung ở khu vực nông thôn do lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp thấp. Tuy nhiên, các DN lại tập trung ở các khu vực thành thị, nơi hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, khí đốt, đường sá và cầu cống tốt hơn. Vì vậy, cuộc cạnh tranh về lực lượng LĐ hạn chế này đang ngày càng căng thẳng. Trong nhiều trường hợp, các DN đang từ bỏ ý định xây dựng các nhà máy mới ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... và chuyển sang Thái Lan hay Campuchia. Một lực lượng LĐ dồi dào vốn từng là thế mạnh, sự hấp dẫn lớn của Việt Nam nhưng do sự phát triển nóng của Việt Nam đang buộc các DN phải linh động hơn để cạnh tranh.

NGUYỄN CAO