Thiếu điện triền miên, trách nhiệm thuộc về ai?
Trong mùa khô vừa qua, tình trạng cúp điện diễn ra khắp cả nước. Có những nơi điện cúp vô tội vạ, không được thông báo trước đã làm cho doanh nghiệp, nhà máy sản xuất khốn đốn, sinh hoạt đời sống của người dân bị ảnh hưởng. Mùa khô cúp điện, người ta có thể chấp nhận một phần do thiếu nước trời, nhà máy thủy điện thiếu nguồn nước để vận hành hết công suất. Nhưng nay, ngay trong mùa mưa, tình trạng cúp điện vẫn diễn ra dài dài thì khó chấp nhận. Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng bị cúp điện thường xuyên. Ở Hà Nội, cúp điện không cần báo trước; ở TP.HCM có nơi một ngày cúp điện đến 8 lần. Và có lẽ “điệp khúc” cúp điện lại có nguy cơ kéo dài, xem chừng chưa có hồi kết.
Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi đã đề xuất tăng giá điện để khắc phục tình hình thiếu điện. Ông Ngãi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải làm một cuộc cách mạng về vấn đề này nếu không tình trạng mất điện trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Giá điện đề nghị sẽ không “sốc” bằng việc mất điện. Người tiêu dùng cần có điện, chất lượng điện tốt và liên tục chứ không lo nhiều về giá. Nếu không tăng giá thì sẽ thiếu điện triền miên. Tuy nhiên ý kiến của ông Ngãi đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận. Có ý kiến cho rằng đó chỉ là biện pháp tình thế, thiếu căn cơ, không mang tầm chiến lược.
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Bình, Phó Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, EVN còn nắm quyền chi phối, điện còn thiếu dài dài. Ông Bình nhìn nhận cứ tăng giá điện một chút thì người dân nói không chịu được, còn các nhà sản xuất thì kêu giá điện thấp quá không khuyến khích được đầu tư. Hậu quả là thiếu điện ngày càng trầm trọng. Vấn đề là phải đưa ra được luận cứ thuyết phục, công bằng giữa người bán và người mua, để dân cũng sẵn sàng chi trả và nhà đầu tư thì thấy hấp dẫn. Cái “nút thắt” chính là giá điện cần phải cởi bằng một biện pháp quan trọng là minh bạch hóa thị trường. Minh bạch mọi vấn đề thì người dân cũng hiểu và sẵn sàng chi trả mức giá hợp lý, nhiều nhà đầu tư ngoài EVN cũng sẵn sàng bỏ tiền đầu tư sản xuất điện.
Còn nhớ, trong kỳ họp Quốc hội (QH) vừa qua, nhiều đại biểu QH đã chất vấn Chính phủ về vấn đề thiếu điện. Trả lời chất vấn đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lúc thì nói năm 2009 có khả năng đủ điện, lúc thì nói năm 2010 chắc bảo đảm được nhu cầu. Và đến bây giờ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng cho biết là vẫn thiếu điện và đến năm 2012 sẽ còn thiếu nhiều hơn!
Cúp điện sẽ gây nên nhiều hệ lụy khác cho đời sống xã hội. Đương nhiên, cúp điện là vì thiếu điện. Nhưng để tình trạng thiếu điện triền miên thì trách nhiệm thuộc về ai?
NHẬT HUY