Thiếu chế tài hiệu quả đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn

Thứ tư, ngày 21/06/2017

(BDO) Đánh giá về những nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn (VPNĐC), theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, hiện có nhiều số liệu thống kê về tỷ lệ người VPNĐC điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, song theo một nghiên cứu của Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới khảo sát với 18.000 bệnh nhân cấp cứu tại các bệnh viện của 10 tỉnh, thành phố cho thấy, những vụ TNGT do người điều khiển phương tiện VPNĐC gây nên chiếm khoảng 37% tổng số vụ TNGT. Riêng con số do Bộ Công an thống kê là vào khoảng 45%.


Lực lượng CSGT tiến hành đo nồng độ cồn một người tham gia giao thông

Mặc dù Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị ngành y tế thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với tất cả các nạn nhân cấp cứu do TNGT, nhưng đến nay chỉ mới có một số tỉnh, thành phố thực hiện. Như vậy, nếu kịp thời kiểm tra nồng độ cồn đối với tất cả nạn nhân TNGT thì chắc chắn tỷ lệ người tham gia giao thông VPNĐC sẽ còn cao hơn. Từ thực tế đó, trong nhiều cuộc họp trực tuyến, họp sơ, tổng kết về công tác bảo đảm trật tự, ATGT của các tỉnh, thành phố, đại diện các ngành chức năng, các địa phương... đã đề nghị cần có chế tài xử phạt hiệu quả hơn đối với các trường hợp VPNĐC khi tham gia giao thông để qua đó góp phần ngăn ngừa TNGT.

Theo ông Khuất Việt Hùng, trên cơ sở kinh nghiệm tại một số nước, đề nghị cần tăng nặng các hình thức xử phạt đối với tài xế say xỉn, cụ thể như cần quy định nồng độ cồn trong máu từ 30mg/100ml máu sẽ bị xử phạt, thay vì mức 50mg/100ml máu như quy định hiện hành. Bởi khi người tham gia giao thông đạt mức nồng độ cồn trong máu 50mg/100ml thì nguy cơ tai nạn với họ rất cao; hoặc có thể nghiên cứu phạt nặng hành vi tái phạm... Có như vậy mới bảo đảm tính răn đe của pháp luật và kéo giảm TNGT...

MỸ ANH