Thiết thực chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”
Kỳ 1: Dốc toàn lực cho hàng Việt
Nhằm bảo đảm dự trữ đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng (NTD) và góp phần bình ổn giá cả thị trường, những năm gần đây, Sở Công thương phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện khá tốt chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Năm 2013, Bình Dương đã ưu tiên cho doanh nghiệp (DN) vay bình ổn thị trường gần 70 tỷ đồng...
Người tiêu dùng ở xã Phước Hòa (Phú Giáo) phấn khởi đến với phiên chợ vui được tổ chức tại địa phương
Bình ổn thị trường mùa cao điểm
Nằm trong chương trình bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2013, các siêu thị Co.opMart, CitiMart, Thủ Dầu Một, Vinatex và Big C đều đã tổ chức khu vực bán hàng bình ổn, giá bán các mặt hàng thiết yếu thực hiện đúng theo giá bình ổn như tại TP.HCM. Việc tổ chức bán hàng lưu động cũng được các siêu thị tổ chức tại 14 điểm trên địa bàn các huyện Tân Uyên, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo. Ngoài ra, Siêu thị Thủ Dầu Một còn thực hiện 2 điểm bán hàng cố định tại Công ty Foster (Khu công nghiệp VSIP 2), Trung tâm hành chính cũ của huyện Dầu Tiếng và tổ chức bán hàng lưu động tại các nông trường cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Công ty TNHH Phạm Tôn đã tổ chức bán hàng lưu động tại các khu, cụm công nghiệp để phục vụ công nhân... Tính suốt mùa bình ổn năm 2013, các DN tham gia đạt doanh thu khoảng 586 tỷ đồng, bằng 116% kế hoạch, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng vốn ưu đãi lãi suất 0% các DN vay thực hiện chương trình là 67,6 tỷ đồng. Đối với mặt hàng sách, tập vở, dụng cụ học sinh được Công ty CP Sách - Thiết bị - Giáo dục Bình Dương và Công ty CP Văn hóa - Tổng hợp Bình Dương triển khai bán hàng tại 74 điểm ở các huyện, thị, thành phố với tổng doanh thu 13,9 tỷ đồng. Nhìn chung, chương trình được thực hiện với thời gian dài và có sức lan tỏa sâu rộng. Nhờ vậy, tại địa bàn Bình Dương không có hiện tượng đầu cơ găm hàng hay sốt giá. Hiện Sở Công thương cũng đã xây dựng xong kế hoạch bình ổn giá mùa tết năm 2014 với kinh phí cho các DN vay tăng lên 76 tỷ đồng.
“Bám rễ” vào nông thôn
Không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân dân chỉ trong một mùa tết, chương trình “Đưa hàng việt về nông thôn” được thực hiện ngày càng nhiều và sâu rộng hơn. Nếu như năm 2012, Sở Công thương chỉ tổ chức 8 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn thì sang năm 2013, số phiên chợ tăng lên gần gấp đôi với 15 phiên. Dĩ nhiên là kinh phí, công sức của ngành chức năng, các DN đầu tư cho phiên chợ cũng tăng lên. Với việc bán hàng bình ổn giá, khuyến mại, tặng quà cho người nghèo, học sinh nghèo vượt khó học giỏi, biểu diễn văn nghệ… phiên chợ vui không chỉ đơn thuần là việc mua bán hàng hóa, mà là một hoạt động văn hóa tinh thần được người dân vùng sâu, vùng xa luôn mong đợi. Ông Phan Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Lạc An, huyện Tân Uyên, cho biết: “Không thể tả hết niềm vui của bà con khi lần đầu phiên chợ vui về Lạc An. Suốt 2 ngày diễn ra phiên chợ dù thời tiết không thuận lợi, mức sống còn thấp (80% là nông dân), song người dân Lạc An vẫn ủng hộ phiên chợ rất nhiệt tình. Chúng tôi mong muốn mỗi năm ngành chức năng tổ chức tại Lạc An một phiên chợ vui như thế!”. Đại diện các DN gắn bó thường xuyên với phiên chợ vui như Siêu thị Co.opMart, Công ty kim khí điện máy Trung Thảo, Công ty may mặc Minh Sương, Công ty Mai Thu… cho rằng, trong thời buổi kinh tế khó khăn, sức mua kém, phiên chợ vui là một kênh phân phối quan trọng, giải quyết hàng tồn kho, ổn định sản xuất, kinh doanh. Thực tế cho thấy, Bình Dương đã dốc toàn lực đầu tư thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình “Hàng Việt về nông thôn”. Có mặt tại hầu hết các phiên chợ vui, ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh đã luôn nhắn nhủ các DN và NTD, rằng: “DN đưa hàng Việt về nông thôn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng về chất lượng, giá cả cũng là tạo cơ hội cạnh tranh trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. NTD ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam là xây dựng văn hóa tiêu dùng, thể hiện lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, góp phần thực hiện giải pháp kích cầu, góp phần đáng kể cho sự nghiệp phát triển kinh tế tỉnh nhà”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm: Cần tăng cường quảng bá cho chương trình bình ổn giá
Cần tăng cường quảng bá cho chương trình bình ổn giá để mọi người dân biết và được thụ hưởng chính sách an sính xã hội nhiều tâm huyết của tỉnh. Ngành chức năng cần vận động thêm các DN tham gia chương trình không cần vay vốn để phục vụ nhu cầu NTD tốt hơn. Với các phiên chợ vui đưa hàng Việt về nông thôn, ngành chức năng cần rà soát lại hiệu quả, khảo sát xem nhu cầu của người dân để tổ chức các phiên chợ hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu NTD tốt hơn. Cần có thêm các điểm, các xe hàng lưu động, thường xuyên về vùng sâu, vùng xa phục vụ người dân để chương trình có sức lan tỏa sâu rộng. Một khi hàng Việt chất lượng, giá cả mềm và đưa về thật gần dân thì lo gì việc người dân không ủng hộ hàng Việt”.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đặng Thị Mộng Huyền: Vai trò phụ nữ là quan trọng nhất
Từng hội viên phụ nữ là người chăm lo ăn uống, đảm trách mua sắm cho cả gia đình. Chúng tôi đã vận động hội viên vào sinh hoạt tại các câu lạc bộ tiêu dùng nữ, tích cực thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, nói không với hàng ngoại. Dĩ nhiên về phía các DN cũng phải cố gắng sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, giá cả mềm và có nhiều kênh phân phối, marketing hấp dẫn, đưa hàng Việt đến và chinh phục NTD.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo): Các phiên chợ vui rất thiết thực
Năm nay, Trung tâm Xúc tiến thương mại Sở Công Thương Bình Dương tổ chức nhiều phiên chợ vui hơn tại Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa nên NTD, công nhân ở đây rất vui. Trong các đêm khai mạc phiên chợ, người nghèo, học sinh nghèo được tặng quà, NTD vừa được xem văn nghệ, vừa được mua hàng rẻ, quả thật rất thiết thực. Song số DN tham gia bán hàng tại các phiên chợ còn ít, chủng loại hàng hóa chưa phong phú…
Kỳ 2: Để hàng Việt đủ sức cạnh tranh
BẢO ANH