Thiêng liêng Trường Sa
(BDO) Mất hơn 10 tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe từ Bình Dương ra Cam Ranh, rồi 3 ngày chuẩn bị cùng 49 tiếng đồng hồ vật lộn với những cơn say sóng mệt nhoài qua 318 hải lý (gần 600km) trên tàu 996, cuối cùng chúng tôi đã đặt chân lên Trường Sa thân yêu. Cảm giác thật khó tả, hơn 100 con người vỡ òa vui sướng khi thấy điểm đảo đầu tiên Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa dần lộ rõ trên đường chân trời…
Đảo Song Tử Tây xanh tươi, thật đẹp giữa biển khơi
Dồn nén những đợi chờ
Chuyến đi thăm, tặng quà, chúc tết cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa lần này, đoàn Bình Dương gồm 3 phóng viên của Báo Bình Dương, Đài PT-TH Bình Dương. Đối với những người lần đầu đi công tác tại Trường Sa như chúng tôi, việc mong ngóng, đợi chờ cho một chuyến đi ý nghĩa thật khó tả. Ngày nhận được quyết định từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chúng tôi tất bật chuẩn bị tinh thần, dụng cụ, tư trang… cho lần đầu vượt biển lớn ra đảo tiền tiêu.
Chiều 3-1, Tổ chúng tôi có mặt tại Nhà khách Hải quân vùng 4 tại TP.Cam Ranh (Khánh Hòa) gia nhập Đoàn công tác gồm đại diện Bộ Tư lệnh hải quân vùng 4, các sĩ quan Lữ đoàn 146 bảo vệ huyện đảo Trường Sa cùng 82 phóng viên các báo, đài khác. 15 giờ chiều ngày 5-1, chúng tôi được xe của Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 chở ra tận cầu cảng quân sự Cam Ranh đưa tiễn.
Chuyển nhu yếu phẩm từ tàu 996 xuống thuyền vào đảo Song Tử Tây |
Đoàn công tác lần này được chia làm 3 nhóm, xuất phát 4 hướng về các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Tổ công tác Bình Dương được phân công lên tàu 996 đi theo hướng phía Bắc đến các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Đá Nam, Đá Thị, Nam Yết… Trong khi đó, các nhóm khác đi theo tuyến giữa và tuyến phía Nam. Tàu 996 là con tàu mang nhiều truyền thống vẻ vang của lực lượng với hơn 21 năm làm nhiệm vụ vận tải hàng hóa, đưa quân và phục vụ các đoàn thăm, chúc tết Trường Sa. Đại tá Nguyễn Công Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 dặn dò: “Đợt công tác lần này, các bạn đại diện cho 45 cơ quan thông tấn, báo chí trong nước cùng chúng tôi mang hơi ấm từ đất liền ra Trường Sa. Mong rằng từ chuyến đi này, không chỉ cán bộ, chiến sĩ huyện đảo được ấm lòng vì tình cảm của các đồng chí, mà báo chí còn góp phần mang Trường Sa lại gần với nhân dân cả nước hơn”.
Ai cũng hăm hở, náo nức đến với Trường Sa nên khi tàu vừa rời quân cảng Cam Ranh cũng là những ngày giờ chờ đợi dài đằng đẵng bắt đầu. Không gian sinh hoạt trên tàu chật hẹp, thiếu thốn chưa phải là vấn đề lớn. Cả đoàn đều nín thở đối mặt với những cơn say sóng và hải trình dài dằng dặc. Đã thế, hải trình từ quân cảng Cam Ranh đi Trường Sa dài đến 318 hải lý, tức ngót nghét 600km. Mọi người đều phải chịu đựng thời gian chờ đợi suốt 45 tiếng đồng hồ trên biển động gió giật cấp 5 - 6.
Nhưng vượt qua tất cả những khó khăn do thời tiết nhiễu động, điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt trên tàu, ai cũng hiểu mỗi một phút trôi qua tức là thời gian đến Trường Sa đang ngày càng thu hẹp dần. Ai cũng mang trên mình những trọng trách, tâm tư riêng và trên hết là những tình cảm thiêng liêng với biển đảo quê hương, với Trường Sa hằn in trong tâm thức.
“Trường Sa ơi, ta đến đây rồi!”
Dù đã được thông báo giờ tàu 996 đến đảo Song Tử Tây, điểm đảo đầu tiên trong chuyến công tác lần này nhưng mỗi người trong đoàn đều không thể hình dung nó đến một cách bất ngờ đến thế. Đang lơ mơ giữa những cơn say sóng vật vã, bỗng một hồi còi tàu hú vang, nhiều tiếng bước chân xao động trên boong tàu, rồi một tiếng kêu vang lên: “Anh em ơi, ta đến Trường Sa rồi!”. Không ai bảo ai, tất cả đều choàng dậy nhảy lên boong rồi cùng nhau hò reo vui mừng khôn tả.
Xa xa phía đường chân trời, đảo Song Tử Tây xanh tươi, kiêu hãnh đứng vươn mình giữa biển khơi xanh ngắt. Giây phút thật nghẹn ngào, xúc động đến lạ! Chuyến hải trình thuận lợi đem đến những giây phút bất ngờ khiến không ai nghĩ đến. Phóng viên Nguyễn Mộng Hùng của Đài PT-TH Bình Dương chống chân máy xuống sàn tàu nhìn xa xăm: “Trường Sa ơi, ta đến đây rồi!”. Không ai bảo ai, chúng tôi lặng người trong giây lát chờ giây phút được đặt chân lên đảo.
Trong chuyến hải trình đầy ý nghĩa này, ngoài nhiệm vụ mang thông tin, văn nghệ từ đảo lên đất liền và ngược lại, Đoàn công tác còn có một nhiệm vụ quan trọng khác: chuyển nhu yếu phẩm, quà tết và lương thực cho lính đảo. Những chiếc xuồng nhỏ óc ách hàng hóa chở phóng viên lên tàu vòng lượn một vòng theo hướng Tây rồi tiến sâu vào âu tàu đảo Song Tử Tây. Cuộc hội ngộ giữa Đoàn công tác và sĩ quan, lính đảo mừng vui không kể xiết.
So với tất cả các đảo khác tại quần đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây là đảo tiền tiêu cao nhất về hướng Bắc, có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Đây cũng là đảo có cột mốc chủ quyền sớm nhất so với các đảo còn lại do chính quyền Việt Nam Cộng hòa đặt vào năm 1956. Đến nay, bia chủ quyền này cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đảo Song Tử Tây cũng là đảo lớn thứ hai so với Trường Sa Lớn, nơi đặt trụ sở UBND huyện đảo Trường Sa. Chính vì thế, ấn tượng ban đầu của tất cả những người trong đoàn về Song Tử Tây là một hòn đảo xanh tuyệt đẹp giữa trùng khơi biển cả. Trên đảo, từng tốp lính, thợ xây công trình hăng say thực hiện nhiệm vụ và làm việc không ngừng nghỉ. Giữa những tất bật của việc lao động hăng say, nhiều người thỉnh thoảng còn dừng lại nhoẻn miệng cười vui với những người trong Đoàn công tác.
Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng giữa biển khơi nghìn trùng thật xinh đẹp và kỳ vĩ. Mỗi bước chúng tôi qua thấm đẫm mồ hôi những người xây đảo, lính đảo trải qua bao thế hệ. Hàng ngàn năm qua, bao bước chân người Việt Nam đã đặt chân lên đảo, canh đảo, giữ đảo và sự vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam. Chính điều đó khiến cho những người trong Đoàn công tác luôn xúc động khi có dịp tiếp xúc, làm việc với sĩ quan, lính đảo, người dân… đang làm việc, sinh sống tại đây.
Trường Sa ơi, chúng tôi đã đến đây rồi! Rất xúc động và cũng rất đỗi tự hào khi được lần đầu đến với đảo Song Tử Tây, điểm đảo đầu tiên trong chuyến hành trình thăm, chúc tết và làm việc tại huyện đảo Trường Sa thân yêu!
LÝ KHÁNH VINH